Trung Quốc tung “nước cờ hiểm”, Mỹ tính kế hành động ở Trung Đông

VOV.VN - Những báo cáo về việc Saudi Arabia có thể sẽ hợp tác với Trung Quốc để tự phát triển chương trình hạt nhân đang khiến giới chức Mỹ lo ngay ngáy và tính kế hành động ở Trung Đông.

Nỗi bất an của Mỹ

Các quan chức và nghị sĩ Mỹ lo ngại, Trung Quốc đang sử dụng khả năng công nghệ về vũ khí hạt nhân để lôi kéo các đồng minh của Washington vào tầm ảnh hưởng địa chính trị của nước này.

"Tôi chắc chắn họ sẽ làm như vậy. Chắc chắn nếu liên quan đến các hệ thống vũ khí, chúng ta sẽ chứng kiến điều đó", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định với Washington Examiner trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần này.

Trung Quốc được cho là đã hỗ trợ Saudi Arabia xây dựng một nhà máy sản xuất "bánh vàng" ( yellow cake - một thành phần quan trọng cho việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân với thành phần chính là urani được chiết xuất từ quặng urani - ND). Các nhà quan sát cho rằng động thái này được coi như một dấu hiệu cho thấy Riyadh có thể sẽ hợp tác với Trung Quốc để tự phát triển chương trình hạt nhân. Những nghi ngại về việc này đã được khẳng định rõ tại một phiên điều trần của Thượng viện về chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Mặc dù chủ đề nhạy cảm trên không được thảo luận đầy đủ nhưng điều đó không thể che giấu sự "bất an" của Mỹ về việc liệu các kế hoạch an ninh của Saudi Arabia có thể đem lại lợi ích cho Trung Quốc hay không.

"Tôi muốn đặt câu hỏi với những người ở đây về việc Saudi Arabia và những nỗ lực tự phát triển chương trình hạt nhân cũng như sở hữu chương trình tên lửa của nước này sẽ là một nhân tố gây mất ổn định nghiêm trọng tại khu vực Trung Đông. Nếu Trung Quốc hiện đang hỗ trợ Saudi Arabia, người Mỹ có quyền biết về điều đó, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn 1 tháng nữa là diễn ra", Thượng nghị sĩ Ed Markey - một thành viên đảng Dân chủ bang Massachusetts đặt câu hỏi với các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại.

Thứ trưởng Ngoại giao David Hale đã từ chối trả lời câu hỏi trên, đồng thời giải thích rằng tất cả những thông tin ông đang có về chủ đề này đều là thông tin mật.

"Phương tiện hiệu quả nhất để ngăn chặn các hành động làm mất ổn định như vậy là đảm bảo rằng chúng ta sẽ đối phó được với những mối đe dọa mà Saudi Arabia đang đối mặt, cũng như cung cấp cho nước này các phương tiện để tự vệ", ông Hale nhận định.

Saudi Arabia từng thể hiện sự quan tâm đến chương trình hạt nhân dân sự, song các nhà phân tích Mỹ thường bày tỏ hoài nghi khi quốc gia giàu dầu mỏ này quan tâm đến năng lượng hạt nhân.

"Một quốc gia có các mỏ dầu và khí tự nhiên khổng lồ như vậy lại đang tìm kiếm năng lượng hạt nhân, vậy thì để làm gì? Rõ ràng không phải bởi vì nhu cầu năng lượng trong nước mà để phục vụ mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân", thượng nghị sĩ bang New Jersey Bob Menendez nhận định trong phiên điều trần trên.

Chính sách của Mỹ với Iran và sự quan tâm của Saudi Arabia đến năng lượng hạt nhân là vấn đề gây tranh cãi. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng việc chính quyền Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã gây nên những hậu quả không mong muốn với việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran và do đó đã thúc đẩy Saudi Arabia theo đuổi mục tiêu tương tự.

Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền ông Trump lại cho rằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran là biện pháp để kiềm chế đáng kể chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

"Chúng tôi cho rằng với sức ép đó, khi cuộc bầu cử kết thúc, Iran sẽ tới ngồi vào bàn đàm phán. Chúng tôi hy vọng rằng việc đàm phán một thỏa thuận toàn diện, bao gồm cả vấn đề hạt nhân, sẽ ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà chúng tôi cho là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) chưa thực sự làm được", đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ Elliot Abrams cho biết.

Mỹ củng cố liên minh ở Trung Đông

Trong khi đó, ông Hale khi làm chứng trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho rằng, các quan chức Mỹ đang hối thúc Saudi Arabia tiến hành thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân theo "tiêu chuẩn vàng" mà theo đó, Riyadh chỉ được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự, chứ không được xây dựng bất kỳ cơ sở hạ tầng nào có thể phát triển cả vũ khí hạt nhân.

"Chúng tôi nhất trí rằng phải có sự cam kết với một tiêu chuẩn vàng. Cách hiệu quả nhất để ngăn cản những viễn cảnh trên là đảm bảo rằng Saudi Arabia hiểu chúng ta là những đối tác bảo vệ an ninh của họ và rằng, chúng ta đang giải quyết những nhu cầu an ninh hợp pháp của họ", ông Hale cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn chưa ra bình luận rõ ràng về báo cáo "bánh vàng" trên nhưng ông thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng, Trung Quốc đang đề xuất sẽ hỗ trợ các nước phát triển tên lửa không chỉ vì mục đích tài chính mà còn nhằm xây dựng các liên minh mới để gây bất lợi cho Mỹ.

"Họ đang phát triển công nghệ trên, và họ đang chủ động lôi kéo các bên trên thế giới vào thị trường này. Rõ ràng Trung Quốc đang lợi dụng việc đó vì cả mục đích kinh tế và xây dựng các liên minh an ninh", Ngoại trưởng Pompeo nhận định với Washington Examiner.

Giới quan sát cũng cho rằng những nỗ lực gần đây của chính quyền Tổng thống Trump làm trung gian hòa giải cho các thỏa thuận hòa bình giữa thế giới Arab và Israel nằm trong nỗ lực ngăn cản Trung Quốc lôi kéo các nước Trung Đông trượt khỏi quỹ đạo của Mỹ.

Ngoại trưởng Pompeo cũng nhận định những điều Mỹ đang làm ở Trung Đông hiện nay, từ việc làm trung gian cho Thỏa thuận Abraham cho tới củng cố các liên minh là nhằm đảm bảo rằng Washington đang đầu tư vào những nơi này và phương Tây vẫn duy trì sự gắn kết với Trung Đông.

"Điều đó sẽ tạo ra một tập hợp các lựa chọn, do đó, các nước này sẽ hiểu rằng họ có thể dựa vào một đối tác và người bạn tốt như Mỹ, cũng như không phải nghiêng về phía Trung Quốc để đảm bảo an ninh"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ đã quên mối đe dọa từ Trung Quốc quá lâu
Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ đã quên mối đe dọa từ Trung Quốc quá lâu

VOV.VN - Theo ông Pompeo, các chính phủ Mỹ tiền nhiệm có cách tiếp cận khác, đã cho phép Trung Quốc chà đạp nước Mỹ.

Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ đã quên mối đe dọa từ Trung Quốc quá lâu

Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ đã quên mối đe dọa từ Trung Quốc quá lâu

VOV.VN - Theo ông Pompeo, các chính phủ Mỹ tiền nhiệm có cách tiếp cận khác, đã cho phép Trung Quốc chà đạp nước Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: WHO sẽ giúp “minh oan” Trung Quốc về Covid-19
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: WHO sẽ giúp “minh oan” Trung Quốc về Covid-19

VOV.VN - Phía Mỹ nghi ngờ WHO bao che cho Trung Quốc nên sẽ giúp Trung Quốc “được minh oan” trong cuộc điều tra về nguồn gốc virus gây bệnh Covid-19.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: WHO sẽ giúp “minh oan” Trung Quốc về Covid-19

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: WHO sẽ giúp “minh oan” Trung Quốc về Covid-19

VOV.VN - Phía Mỹ nghi ngờ WHO bao che cho Trung Quốc nên sẽ giúp Trung Quốc “được minh oan” trong cuộc điều tra về nguồn gốc virus gây bệnh Covid-19.

Ngoại trưởng Pompeo gọi ông Bolton là “kẻ phản bội hủy hoại nước Mỹ“
Ngoại trưởng Pompeo gọi ông Bolton là “kẻ phản bội hủy hoại nước Mỹ“

VOV.VN - Trước khi cuốn sách của ông Bolton được xuất bản, Ngoại trưởng Pompeo đã gọi cựu Cố vấn An ninh Quốc gia này là “kẻ phản bội hủy hoại nước Mỹ”.

Ngoại trưởng Pompeo gọi ông Bolton là “kẻ phản bội hủy hoại nước Mỹ“

Ngoại trưởng Pompeo gọi ông Bolton là “kẻ phản bội hủy hoại nước Mỹ“

VOV.VN - Trước khi cuốn sách của ông Bolton được xuất bản, Ngoại trưởng Pompeo đã gọi cựu Cố vấn An ninh Quốc gia này là “kẻ phản bội hủy hoại nước Mỹ”.