Trung Quốc và Mỹ ra Tuyên bố chung về ứng phó khủng hoảng khí hậu
VOV.VN - Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến việc đối phó các nguy cơ về khí hậu vừa được phía Trung Quốc công bố sáng 18/4 sau chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry.
Tuyên bố chung được phía Trung Quốc công bố sau cuộc hội đàm diễn ra trong hai ngày 15 và 16/4 tại Thượng Hải giữa Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa. Theo đó, hai bên đều mong đợi Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ tổ chức từ ngày 22-23/4 tới.
Hai bên cũng cam kết phối hợp trong nhiều cơ chế đa phương nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến khí hậu. Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Trung Quốc và Mỹ dốc sức hợp tác với nhau và các nước khác cùng giải quyết khủng hoảng khí hậu và ứng phó dựa trên tính nghiêm trọng, cấp bách của vấn đề". Hướng tới tương lai, hai nước sẽ “chung tay và cùng các bên khác tăng cường thực thi Thỏa thuận Paris”.
Bên cạnh đó, hai bên còn tuyên bố sẽ thực hiện các hành động ngắn hạn khác để đóng góp hơn nữa vào giải quyết khủng hoảng khí hậu, như xây dựng chiến lược dài hạn của mỗi bên nhằm thực hiện trung hòa carbon và đưa phát thải khí nhà kính về 0; có hành động thích hợp nhằm mở rộng tối đa đầu tư và huy động tài chính quốc tế hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch carbon cao sang năng lượng xanh, carbon thấp và năng lượng tái tạo; tiếp tục thảo luận về các hành động giảm phát thải cụ thể trong những năm 2020, nhằm đạt được các mục tiêu hạn chế tăng nhiệt phù hợp với Thỏa thuận Paris trước và sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26)...
Hai bên cho biết sẽ hợp tác thúc đẩy thành công Hội nghị COP 26 tổ chức tại Glasgow và Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học diễn ra tại Côn Minh.
Mặc dù đến nay Trung Quốc vẫn chưa cho biết liệu Chủ tịch nước này Tập Cận Bình có nhận lời mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ tổ chức sắp tới hay không, nhưng tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm tại Thượng Hải, đánh dấu chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden mang đến hy vọng về khả năng hợp tác giữa hai cường quốc trong ứng phó biến đổi khí hậu, bất chấp tình hình căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh những năm qua.
Cùng thời điểm diễn ra chuyến thăm của ông Kerry, ngày 16/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ba bên về khí hậu diễn ra theo hình thức trực tuyến cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tại đây, ông Tập Cận Bình khẳng định nước này sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Đức và Pháp nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã hoan nghênh cam kết của Trung Quốc hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời chiếm gần nửa lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Trái với người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden coi khí hậu là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Giới phân tích nhận định, ứng phó biến đổi khí hậu có thể mở ra con đường hợp tác cho hai nước, mang tới cơ hội cho các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian tới./.