Trung Quốc và Nepal nhất trí xây đường sắt xuyên dãy Himalaya
VOV.VN - Trung Quốc dự kiến trong năm nay sẽ cử các chuyên gia đến Nepal để tiến hành các cuộc nghiên cứu khả thi về việc xây dựng một tuyến đường sắt xuyên dãy Himalaya.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 11/8 cho biết, trong cuộc hội đàm song phương, Ngoại trưởng Trung Quốc và Nepal đã nhất trí sẽ xây dựng một mạng lưới kết nối đa chiều xuyên dãy Himalaya.
Trong đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, nước này sẽ sử dụng khoản viện trợ cho Nepal để hỗ trợ nghiên cứu khả thi của dự án đường sắt xuyên biên giới giữa hai nước, đồng thời cử các chuyên gia đến Nepal để tiến hành khảo sát trong năm nay.
Tuyên bố trên được ông Vương Nghị đưa ra tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Narayan Khadka tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc ngày 10/8.
Năm 2019, Trung Quốc và Nepal đã ra Tuyên bố chung công bố việc nghiên cứu khả thi về dự án đường sắt xuyên biên giới từ Gyirong, Tây Tạng đến Kathmandu, Nepal. Tuyến đường sắt này là một phần trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhằm hỗ trợ Nepal giảm bớt sự phụ thuộc vào Ấn Ðộ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc hồi tháng 4 năm nay, bà Hầu Diễm Kỳ, Đại sứ Trung Quốc tại Nepal, cho biết cơ quan đường sắt hai nước đã hoàn tất nghiên cứu tiền khả thi và ký kết Phương án hỗ trợ kỹ thuật cho nghiên cứu khả thi của dự án.
Tuy nhiên, bà cũng đề cập đến những thách thức mà dự án tham vọng này gặp phải, gồm tuyến đường sắt cần phải vượt qua dãy Himalaya, tuy chỉ dài chưa tới 200 km nhưng chênh lệnh độ cao của tuyến đường lên tới hơn 1.000m, do vậy cần giải quyết nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật như điều kiện địa chất phức tạp, thiên tai thường xuyên xảy ra...
Bên cạnh đó, theo tính toán sơ bộ, tỷ lệ cầu và hầm trên toàn tuyến đường sắt có thể lên tới trên 90%, trong khi chi phí xây dựng mỗi km đường như vậy vào khoảng 200 triệu nhân dân tệ (29,68 triệu USD).
Ngoài ra, cũng giống như nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác ở Nepal, dự án này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như dịch Covid-19, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo nhận định của các chuyên gia, về mặt kỹ thuật, đây có thể là một trong những tuyến đường sắt khó xây nhất trên thế giới./.