Trung Quốc và Nhật Bản dốc sức khắc phục hậu quả lũ lụt
VOV.VN - Hơn nửa khu vực miền Nam Trung Quốc bị nhấn chìm trong biển lũ. Còn Nhật Bản cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng sau những trận lũ lịch sử.
Tính đến hôm nay (14/7), mực nước tại 433 con sông tại Trung Quốc vượt mức báo động, trong đó 33 con sông ghi nhận nước dâng cao kỷ lục. Hơn 200 con sông bị vỡ đê gây ngập lụt nghiêm trọng, khiến hơn nửa miền Nam Trung Quốc bị nhấn chìm. Trong khi đó, nước láng giềng Nhật Bản, sau những trận lũ lịch sử cũng đang đẩy nhanh tiến độ tái thiết .
Đoạn đê thuộc thôn Giang Gia Lĩnh, đằng sau là Huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc Diệp Kiến Xuân hôm qua (13/7) cho biết, Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn then chốt trong phòng chống lũ lụt. Quan chức này khuyến cáo, tình hình ở sông Dương Tử và Thái Hồ vẫn còn nguy cấp.
Theo các số liệu thống kê mới nhất, lũ lụt nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng đến gần 38 triệu triệu người dân ở 27 địa phương của Trung Quốc. Thống kê đến thời điểm hiện tại cho thấy, 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, trong khi 28.000 ngôi nhà đã bị đổ sụp trong thiên tai.
Bộ Tài nguyên nước đã điều động 47.000 người tham gia phòng chống lũ, cứu hộ và trợ giúp những vùng thiên tai. 76.000 người ở các khu vực bị ảnh hưởng đã được sơ tán hoặc giải cứu.
Theo Bộ Quản lý các vấn đề khẩn cấp và Bộ Tài chính Trung Quốc, Chính phủ nước này đã quyết định cấp 600 triệu Nhân dân tệ (khoảng 85,7 triệu USD) để khắc phục hậu quả thiên tai tại 5 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm các tỉnh Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và thành phố Trùng Khánh.
Đặc biệt tại tỉnh Giang Tây, một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi lũ lụt, các nhà chức trách đã ban hành các biện pháp về thời chiến. Sau khi hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, vượt mức cảnh báo lũ cao nhất 22,5 m - phá vỡ mức kỷ lục của trận lũ năm 1998, chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 400.000 người. Trong khi đó, tỉnh An Huy lân cận cũng bị lũ lụt nghiêm trọng.
Ông Kim Niên, một quan chức tỉnh An Huy cho biết:"Chúng tôi đến thăm các hộ gia đình. Nếu người dân địa phương có nhu cầu về vật tư hay thực phẩm họ sẽ thông báo cho chúng tôi biết. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa vật tư đến một điểm để người dân có thể đến lấy”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận, việc kiểm soát lũ lụt đang rất khó khăn và ở giai đoạn trọng yếu. Ông Tập Cận Bình yêu cầu các cơ quan chức trách từ trung ương tới địa phương phải nỗ lực hết sức nhằm ứng phó với thiên tai và cứu trợ cho những nơi bị ảnh hưởng, với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Ông Tập Cận Bình cũng ra lệnh cho quân đội và công an phối hợp tham gia các hoạt động này.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, kể từ ngày 3/7 đến nay, mưa lũ và sạt lở đất đã gây thiệt hại cho nhiều khu vực ở vùng Kyushu, các khu vực phía Tây và miền Trung Nhật Bản, với số người chết trên toàn quốc tới ngày hôm nay lên tới 70 người.
Hôm nay, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định chi 2,2 triệu yên (20,5 triệu USD) từ quỹ dự phòng trong tài khóa 2020 để hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt mưa lũ vừa qua.
Ngoài ra, sau chuyến đi thị sát tình hình thiệt hại do mưa lũ ở tỉnh Kumamoto, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ thị cho các quan chức Chính phủ soạn thảo gói cứu trợ trị giá hơn 400 tỷ yên cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
“Để hỗ trợ những người dân (bị ảnh hưởng bởi thảm họa), chúng tôi sẽ nhanh chóng soạn thảo gói cứu trợ trị giá hơn 400 tỷ yên (3,7 tỷ USD) bằng cách sử dụng ngân sách tái thiết cho thảm họa (tự nhiên) và dự trữ ngân sách. Chính phủ, sẽ làm mọi thứ có thể để tạo dựng lại sinh kế cho những người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt”, ông Abe thông báo.
Để đẩy nhanh tiến độ tái thiết ở các khu vực này, Chính phủ Nhật Bản đã đưa các đợt mưa lũ lần này vào danh sách “thiên tai đặc biệt nghiêm trọng," qua đó tạo điều kiện cho việc gia hạn thời gian hoàn thành các thủ tục chính thức như gia hạn giấy phép lái xe và giấy phép kinh doanh./.