Truyền thông Triều Tiên nói gì về cuộc gặp Trump-Kim tại DMZ?
VOV.VN - Truyền thông Triều Tiên đã đăng tải những bài viết rất tích cực về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un tại DMZ.
Truyền thông Triều Tiên hôm 1/7 đã ca ngợi cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) là cuộc gặp mang tính lịch sử và tuyệt vời.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ. Ảnh: Reuters. |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ giữ liên lạc chặt chẽ trong tương lai”, “nối lại và thúc đẩy các cuộc đối thoại hữu ích để tạo ra bước đột phá mới về phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên cũng như trong quan hệ song phương”. Trên trang nhất của tờ Rodong Sinmun cũng đăng tải hình ảnh Tổng thống Trump lần đầu tiên bước qua đường ranh giới chia cắt giữa Hàn Quốc với Triều Tiên và ngồi hội đàm với Chủ tịch Kim Jong Un, tiếp đến là bài viết nổi bật nhất với tiêu đề: “Nhà lãnh đạo đáng kính Kim Jong Un gặp Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp lịch sử tại Panmunjom”.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 diễn ra khi Chủ tịch Kim Jong Un chấp nhận đề nghị đối thoại tại khu DMZ của Tổng thống Trump khi ông Trump có chuyến thăm hai ngày tới Hàn Quốc. KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un cho biết: “Mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Trump đã khiến cuộc gặp đầy kịch tính này trở thành hiện thực chỉ trong 1 ngày. Mối quan hệ sẽ tiếp tục sản sinh ra những kết quả tốt đẹp không thể đoán trước được, đồng thời đóng vai trò là đòn bẩy để thu hẹp bất đồng và vượt qua các rào cản trong tương lai”.
Trước cuộc gặp riêng tư với Chủ tịch Kim Jong Un tại Nhà Tự do ở Panmunjom, Tổng thống Trump đã vượt qua đường ranh giới quân sự để sang lãnh thổ Triều Tiên, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân tới quốc gia này.
KCNA viết: “Sau 66 năm kể từ Thỏa thuận Đình chiến 1953, sự kiện đáng kinh ngạc đã xảy ra khi hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Triều Tiên và Mỹ trao đổi những cái bắt tay lịch sử tại Panmunjom, nơi được coi là biểu tượng của sự chia cắt”.
Theo KCNA, hai bên đã trao đổi những vấn đề nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, chấm dứt những hiểu lầm và hoài nghi giữa hai quốc gia, tạo ra bước ngoặt mới trong quan hệ, bàn bạc những vấn đề cùng quan tâm vốn gây trở ngại cho quan hệ song phương bấy lâu nay, thể hiện sự thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau”. Các bên cũng nhất trí nối lại cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên lần đầu tiên kể từ sau thất bại tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 2 vừa qua. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tháp tùng các nhà lãnh đạo trong cuộc gặp lần này. Phát biểu với báo chí, ông Pompeo hy vọng các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ được nối lại vào giữa tháng 7/2019.
Các luồng ý kiến trái chiều
Các nhà phân tích đã đưa ra những quan điểm nhiều chiều về cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim hôm 30/6. Một số người cho rằng sự kiện này đã tạo ra động lực mới thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân đang rơi vào bế tắc. Trong khi những ý kiến khác cho rằng đây là “màn diễn của một chương trình truyền hình thực tế”.
Yonhap dẫn nhận định của ông Lim Eul-chul, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam: “Mặc dù cuộc gặp này diễn ra trong thời gian ngắn nhưng nó đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Song có vẻ như rất khó để hai bên thu hẹp sự bất đồng ngay lập tức. Các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn được duy trì”.
Còn ông Vipin Narang thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết, truyền thông Triều Tiên đang làm ra vẻ như ông Kim Jong Un đang bị ông Donald Trump “quyến rũ”. “Đã có rất nhiều diễn biến như giảm căng thẳng, chấm dứt quan hệ đối đầu và sau đó là hợp tác về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên nhưng ông Kim Jong Un vẫn không đề xuất giải giáp vũ khí hạt nhân một cách đơn phương”.
Duyeon Kim, thành viên thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới cho rằng: “Các vở kịch sẽ không giải quyết được những vấn đề an ninh nghiêm trọng mà họ đang phải đối mặt”. Còn Mintaro Oba, cựu nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên nhận định, Tổng thống Trump đang tham gia vào chính sách đối ngoại “bề nổi” đó là giúp tiến trình đàm phán vẫn được diễn ra nhưng “không điều trị tận gốc căn bệnh tiềm ẩn”. “Ngay bây giờ, hai bên vẫn chưa giải quyết được bất cứ vấn đề quan trọng nào chẳng hạn như như bất đồng về việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Nếu các nhà đàm phán cấp chuyên viên không giải quyết được vấn đề này thì rất khó để biến không khí tích cực trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều thành những kết quả thực tế”./.