Tương lai nào cho châu Âu hậu Brexit?
VOV.VN - Sau sự kiện Brexit, Liên minh châu Âu càng có xu hướng siết chặt hơn. Rất nhiều chính trị gia đã nói đến khả năng tạo ra các nhóm cốt lõi cho EU.
Ngày 23/08, Thủ tướng Italia Matteo Renzi cùng hai người đồng cấp là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tiến hành một cuộc họp 3 bên nhằm bàn về tương lai của châu Âu, sau quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu còn gọi là Brexit.
Tương lai EU chưa định hình rõ ràng (Ảnh minh họa)
Diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu vào tháng 9 tới đây, cuộc gặp có những kết quả gì nổi bật? Những giải pháp đưa ra sẽ tác động ra sao đến tương lai châu Âu hậu Brexit?
Thượng đỉnh mini- ý nghĩa biểu tượng
Trước hết, phải nói rằng cuộc gặp được coi là Thượng đỉnh mini này giữa 3 nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy mang nặng tính biểu tượng hơn là thực chất. 3 nhà lãnh đạo gặp nhau vào thời điểm cuối kỳ nghỉ Hè, giống như một động thái khởi động cho việc quay trở lại với đời sống chính trị.
Cuộc gặp này cũng diễn ra 3 tuần trước Hội nghị thượng đỉnh châu Âu đầu tháng 9 nên có thể coi là dịp để lãnh đạo 3 nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện nay đề ra đường lối chung cho cả khối. Đúng như khẩu hiệu được đưa ra trước cuộc gặp là “đưa châu Âu trở lại”, mục đích chính của bà Merkel, ông Hollande và ông Renzi là tìm một sự đoàn kết chung nơi những thành viên quan trọng nhất của châu Âu nhằm vực dậy Liên minh sau biến cố Brexit và trong hoàn cảnh đang phải đối phó với các đe dọa nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực từ kinh tế cho đến an ninh.
Vì vậy, những kế hoạch cụ thể chưa được đưa ra mà chỉ có các đường lối chung, như các đề xuất về việc thành lập lực lượng biên phòng chung châu Âu để kiểm soát biên giới ngoại vi, phát hành trái phiếu châu Âu để thu hút nguồn vốn tài trợ cho kế hoạch Juncker nhằm tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở châu Âu có tổng số vốn có thể lên tới 315 tỷ euro trong giai đoạn 3 năm từ 2015 đến 2018, gấp đôi so với dự tính ban đầu.
Ngoài ra còn có các kế hoạch liên quan đến đầu tư cho giáo dục của thế hệ trẻ như các chương trình học bổng Erasmus Mundus…
Mở rộng – Không còn là ưu tiên của EU
Không chỉ bàn về lộ trình “chia tay với Anh” thế nào cho êm ả, 3 nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã bàn về việc mở rộng hay không mở rộng liên minh châu Âu. Thế nhưng hiện nay bản thân 3 nhà lãnh đạo cũng đang có những quan điểm khác nhau về vấn đề này
Mở rộng liên minh châu Âu không phải là ưu tiên hiện nay của EU, thậm chí là ngược lại. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài suốt từ 2008 đến nay, cộng thêm khủng hoảng địa chính trị ở Ukraina, một trong các ứng cử viên từng hy vọng gia nhập EU, và khủng hoảng tị nạn Syria từ phía Nam châu Âu khiến châu lục này phải xem xét lại các ưu tiên chiến lược.
Thay vì ưu tiên mở rộng, EU đang quay lại tìm cách siết chặt đội ngũ, đặc biệt trong nhóm các thành viên cốt lõi đã sáng lập ra EU thưở đầu, tức là các nước Tây Âu.
Đặc biệt, sau sự kiện Brexit thì EU càng có xu hướng siết chặt hơn. Rất nhiều chính trị gia các nước châu Âu đã nói đến khả năng tạo ra các nhóm cốt lõi cho EU, tức là chia Liên minh châu Âu ra thành nhiều tốc độ phát triển phù hợp với tiềm lực và điều kiện của từng quốc gia.
Việc siết chặt này cũng là một động thái nhằm ngăn chặn các ý đồ tách khỏi châu Âu giống như Brexit bởi đây là thời điểm mà châu Âu cần thể hiện sự cứng rắn và cương quyết nhất để bảo đảm sự toàn vẹn của Liên minh.
Khắc khổ hay đầu tư để tăng trưởng?
Đây đích thực là một chủ đề quan trọng của cuộc gặp cấp cao bộ ba lần này. Tại cuộc gặp thì Thủ tướng nước chủ nhà Italy là Matteo Renzi đã công khai tuyên bố là ông muốn chấm dứt các chính sách khắc khổ tại châu Âu, muốn chấm dứt hình ảnh Liên minh châu Âu như một “kế toán”, tức là soi xét quá kỹ chuyện ngân sách của các quốc gia thành viên.
Italy là một trong những nước EU phản đối quyết liệt nhất các chính sách khắc khổ bởi chính phủ nước này cho rằng các chính sách này chỉ tạo điều kiện cho các đảng dân túy thu hút phiếu cử tri.
Quan điểm này của Italy cũng được Pháp ủng hộ bởi từ trước đến nay Pháp luôn cho rằng phải ưu tiên đầu tư công để vực dậy tăng trưởng thay vì siết chặt ngân sách để tránh thâm hụt công nhưng lại bóp nghẹt tăng trưởng và việc làm.
Trước 2 đòi hỏi này của Italy và Pháp, Đức phản ứng rất thận trọng. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cho rằng phải suy xét kỹ vấn đề này. Đây là phản ứng dễ hiểu bởi Đức luôn là nước đi đầu trong việc ủng hộ thực thi các chính sách ngân sách khắc khổ.
Sẽ có chính sách lấy lòng cử tri trước thềm bầu cử tại Pháp và Đức
Với hàng loạt vấn đề đang đặt ra với châu Âu, các nhà lãnh đạo đầu tàu châu Âu trong đó có Pháp và Đức - vốn đang chuẩn bị đối diện với hai cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2017 tới đây, liệu sẽ có những bước đi như thế nào để vừa lấy lòng cử tri trong nước vừa định hình được tương lai cho Liên minh châu Âu?
Chắc chắn chúng ta sẽ được chứng kiến những thay đổi quan trọng trong thời gian tới tại cả Đức và Pháp bởi bao giờ cũng thế, các nhà lãnh đạo đang nắm quyền luôn tìm cách đưa ra các chính sách được lòng cử tri trong năm bầu cử, như là một cách để thu hút lá phiếu.
Chẳng hạn tại Pháp thì trong năm 2015 vừa qua, ông Hollande đã ban hành quyết định tăng lương cho các công chức làm trong ngành giáo dục, lực lượng chiếm khoảng 1/3 công chức nhà nước Pháp.
Nhiều chính sách tương tự có thể cũng sẽ được đưa ra nhưng điểm chung là hầu hết sẽ chỉ có tác động trong ngắn hạn, tức trong mùa bầu cử, bởi sau khi kết thúc bầu cử, dù thắng hay bại, thì nhiều khả năng các nhà lãnh đạo này cũng sẽ thực hiện việc thay đổi chính sách. Đó là điểm rất khó dự đoán trong thời điểm trước mắt./. Anh khẳng định không kích hoạt Brexit trước 2017