Tuyết rơi giữa mùa Xuân ở châu Âu
VOV.VN - Tuyết rơi vào cuối tháng 4 ở nhiều thành phố ở Trung Âu có thể coi là một hiện tượng thời tiết cực đoan và liên quan đến sự biến đổi khí hậu.
Sau những đầu xuân ấp ám, thời tiết lạnh giá dường như đã đem mùa đông trở lại ở nhiều khu vực Trung Âu.
Ảnh chụp ngày 28/4 trên một con đường nhỏ tại thành phố Baldham, Đức |
Hai ngày cuối tháng 4 (27, 28/4), tuyết rơi ở nhiều thành phố thuộc các nước Trung Âu như Đức, Áo và các nước vùng Balkans khi nhiệt độ hạ xuống thấp đột ngột xuống gần âm độ.
Hơn một tuần trước đó sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh, tuyết phủ trắng tại nhiều thành phố ở châu Âu như Ukraine, Ba Lan, Áo, Hungary, Đức, Ý, Rumani,...
Mùa xuân năm nay đến sớm và tiết trời ấm áp là lý do khiến hoa anh đào nở rộ sớm hơn tại nhiều nơi trên thế giới, như Bỉ, Đức, Thuỵ Điển, Mỹ, Nhật. Mùa hoa anh đào đến sớm gần nửa tháng tại châu Âu và Mỹ và khoảng ba tuần tại Nhật. Khi hoa anh đào cùng khoe sắc cũng là dịp để các lễ hội hoa anh đào được tổ chức tưng bừng ở nhiều nơi trên khắp toàn cầu, như tại Kyoto, Washington, Vancouver, Stockhom, Bonn.
Những lễ hội hoa anh đào này còn là sự kiện kết nối văn hoá, một điểm nhấn để thu hút khách du lịch và đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế địa phương. Ví dụ, lễ hội hoa anh đào tại Washington năm nay theo ước tính thu hút khoảng 1,5 triệu khách đến thăm và đem loại nguồn thu 150 triệu cho nền kinh tế tại đây.
Hoa anh đào bị vùi dập trong tuyết. |
Mùa xuân đến sớm và được ngắm nhìn vẻ đẹp rực rỡ của những bông hoa mùa xuân có thể là niềm vui đối với nhiều người dân ở xứ lạnh, song các nhà khoa học bày tỏ quan ngại về những đột biến thời tiết này.
Hoa tử đinh hương. |
Tuyết rơi vào cuối tháng 4 ở châu Âu và phủ trắng những bông hoa đang nở rộ có thể là một hiện tượng thời tiết hiếm thấy và bất thường. Đặc biệt ở những vùng núi cao tuyết rơi dày như giữa mùa đông.
Tuyết rơi bao phủ lâu đài Neuschwanstein, lâu đài được xếp hạng đẹp nhất nước Đức, nằm ở làng Schwangau, gần Füssen, thuộc vùng Bavaria, miền Nam nước Đức |
Đây có thể là minh chứng rõ ràng và mới nhất nhất về sự biến đổi khí hậu. Hơn nữa, điều này sẽ gây thiệt hại nhất định cho mùa màng, hoa trái và để lại hệ luỵ cho hệ sinh thái.
Theo công bố gần đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trên bề mặt trái đất trong năm 2016 đã ở mức nóng nhất kể từ năm 1880. Xu hướng này nếu tiếp tục kéo dài trong năm có thể sẽ là điều không có gì đáng ngạc nhiên.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã từng khuyến cáo, hiện tượng thời tiết cực đoan thường xảy ra trung bình chỉ một lần trong 100 năm song sự biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất này. Người dân và các hệ sinh thái trên toàn thế giới đang cảm nhận được những ảnh hưởng này.
Vào tháng 3/2017, nhiều vùng ở Peru được đặt dưới tình trạng khẩn cấp vì lũ lụt tàn phá. Lũ lụt hoành hành tại California trong tháng 2. Các nước châu Âu như Scotland, Wales và Bắc Ai Len đã trải qua một mùa đông ẩm ướt chưa từng thấy. Năm 2016, hàng triệu trên toàn thế giới chịu thiệt hại bởi hạn hán và lũ lụt.
Theo cảnh báo của The Union of Concerned Scientists (Uỷ ban các Nhà Khoa học Quan tâm), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, những hệ luỵ chính của sự biến đổi khí hậu sẽ là ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, tổn thất về kinh tế và cơ sở hạ tầng và phá huỷ sự đa dạng sinh học.
Dưới đây là một số hình ảnh tuyết rơi tại thành phố Baldham, nằm cách thành phố Munich (Đức) 19 km về phía Đông vào ngày 28/4: