Ukraine kêu gọi G7 và NATO hỗ trợ khẩn cấp hệ thống phòng không
VOV.VN - Hôm 18/4, Ukraine kêu gọi các ngoại trưởng G7 giúp tăng cường lực lượng phòng không khẩn cấp cho quốc gia này trong bối cảnh Kiev đang phải chống chọi với các cuộc không kích có nguy mô ngày càng lớn của Nga.
Trong cuộc họp hôm 18/4 trên đảo Capri (Italy), các bộ trưởng G7 thừa nhận sự cần thiết phải trang bị thêm hệ thống phòng không cho Ukraine, đồng thời hoan nghênh sự góp mặt của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trong cuộc họp lần này.
Nhóm G7 bao gồm các đại diện của Italy, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu, đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 2 năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc viện trợ cho Kiev đang có dấu hiệu chững lại khi châu Âu dường như đã cạn kiệt nguồn đạn dược và Quốc hội Mỹ vẫn chưa nhất trí thông qua gói viện trợ quân sự trị giá hơn 61 tỷ USD.
Chia sẻ với báo giới, Ngoại trưởng Kuleba cho biết Ukraine đang thiếu các hệ thống phòng không quan trọng để chống lại các cuộc không kích của Nga, đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây trên phương diện này.
Đáp lại lời kêu gọi của Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Chúng tôi đã tổng hợp dữ liệu về các hệ thống phòng không khác nhau mà các quốc gia thành viên có trong NATO và tập trung vào các hệ thống Patriot. NATO đang làm việc với các đồng minh để đảm bảo rằng họ sẽ triển khai lại một số hệ thống của mình tới Ukraine”.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Kiev hiện đang tìm kiếm tối thiểu 7 hệ thống Patriot, nhưng từ chối tiết lộ số lượng hệ thống Patriot mà Ukraine đang sở hữu.
Ông cho biết, các quan chức Mỹ đã đảm bảo với Ukraine rằng vũ khí sẽ được cung cấp trong vài tuần thay vì vài tháng, ngay sau khi Quốc hội thông qua gói viện trợ cho Kiev. Dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu để thông qua gói viện trợ vào cuối tuần này.
Một vấn đề quan trọng khác đang được xem xét là làm thế nào để sử dụng lợi nhuận từ khối tài sản trị giá 300 tỷ USD của Nga đang bị "đóng băng" trong các ngân hàng châu Âu để giúp đỡ Ukraine, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang lo ngại về tính hợp pháp của hành động này.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề này bằng các giải pháp linh hoạt. Hiện chúng tôi vẫn đang cố gắng đạt được sự đồng thuận", Ngoại trưởng Anh David Cameron nói.
Ông Shmyhal cũng cho biết ông đã thảo luận chi tiết với các quan chức Mỹ và G7 về cách sử dụng khối tài sản bị phong tỏa của Nga.
Ngoại trưởng Kuleba cũng bày tỏ hi vọng sẽ nhận được những cam kết của Mỹ và phương Tây trong tuần này về việc cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot và SAMP/T cũng như ban hành các lệnh trừng phạt mới nhằm vào hoạt động sản xuất máy bay không người lái (UAV) của Iran đang được xuất khẩu sang Nga.