Ukraine quyết gia nhập NATO bất chấp sự thờ ơ của các nước thành viên
VOV.VN - Các thành viên NATO đều tỏ ra ngần ngại khi đồng ý cho Ukraine gia nhập vào tổ chức này vì không muốn đẩy quan hệ với Nga tới chỗ "không thể cứu vãn".
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 18/12 trình Quốc hội dự luật liên quan tới việc bãi bỏ chính sách không liên kết để bắt đầu chiến dịch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, các thành viên của liên minh quân sự này vẫn còn tỏ ra ngần ngại do không muốn đẩy quan hệ với Nga tới chỗ “không thể cứu vãn”.
Trong một thông báo được đăng trên cổng thông tin chính thức, phủ Tổng thống Ukraine cho biết, ông Poroshenko vừa trình lên Quốc hội dự luật sửa đổi một số điều liên quan tới việc bãi bỏ quy chế không liên kết của Ukraine, mở đường cho nước này bắt đầu các chiến dịch vận động gia nhập Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo ông Poroshenko, bước đi này là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh đất nước trước những mối đe dọa từ Nga.
Năm 2010, dưới sự lãnh đạo của Tổng thông Yanukovych, có tư tưởng thân Nga và bị lật đổ trong các cuộc biểu tình hồi năm ngoái, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật về tình trạng không liên kết, tức là không gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào hay tham gia tích cực vào bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào như Thụy Sĩ hiện nay.
Tuy nhiên, sau khi lật đổ chính quyền Yanukovych, Tổng thống Poroshenko nhiều lần tuyên bố coi việc gia nhập NATO là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Ông Poroshenko và khối NATO đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin hỗ trợ quân sự lực lượng đối lập tại miền Đông. Bất chấp việc Nga một mực bác bỏ, song ông Poroshenko vẫn cho rằng, “công kích” của Nga buộc nước này phải hướng về phương Tây và buộc ông phải trình dự luật lên quốc hội.
“Một thực tế không thể phủ nhận là quy chế không liên kết không giúp đảm bảo an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Vì thế, Ukraine sẽ quay lại theo đuổi các nỗ lực nhằm gia nhập không gian an ninh châu Âu- Đại Tây Dương”, ông Poroshenko nói.
NATO cũng từng thảo luận trao quy chế thành viên cho Ukraine trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Gruzia năm 2008. Tuy nhiên, liên minh quân sự này chưa bao gờ vạch ra lộ trình để kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên bởi quan ngại một phần từ phía Nga.
Và hiện nay cũng thế, mặc dù cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và bất chấp sự sốt sắng của Ukraine, song các thành viên của liên minh không phải nước nào cũng nghĩ việc Ukraine gia nhập NATO là điều tốt.
Trong chuyến thăm Nga mới đây nhất ngày 6/12, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng một lần nữa khẳng định với Tổng thống Nga Putin rằng, Pháp phản đối Ukraine gia nhập NATO.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng việc thảo luận dành quy chế thành viên NATO cho Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự của tổ chức này. Bởi theo ông, các nước thành viên phải biết thực tế rằng họ đang ở trong một “cuộc xung đột rất nguy hiểm” và không thể “đổ thêm dầu vào lửa" với việc trao quy chế thành viên NATO cho Ukraine.
Rõ ràng, dù xung đột lập trường mạnh mẽ với Nga, song hầu như tất cả nước thành viên NATO đều không muốn đẩy quan hệ với Nga ra xa hơn nữa, bởi điều này có thể dẫn thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu. Chính vì thế, NATO vẫn ưu tiên cho việc xây dựng quan hệ đối tác với Ukraine hơn là dành cho nước này một quy chế thành viên./.