Ukraine tăng cường sản xuất UAV FPV trong bối cảnh xung đột leo thang
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine, ông Oleksandr Kamyshin cho biết, Kiev đang trên đà sản xuất "nhiều hơn đáng kể" các máy bay tấn công không người lái FPV vào cuối năm nay so với mục tiêu ban đầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Business Insider bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington DC, ông Kamyshin cho biết máy bay tấn công không người lái FPV "chiếm một phần đáng kể trong bối cảnh xung đột đang leo thang hiện nay". Ông gọi FPV là "máy bay không người lái cối" và "máy bay không người lái pháo binh" để ám chỉ đến tiềm năng gây nổ của chúng tương tự như những vũ khí tấn công tầm xa khác.
"Năm nay, chúng tôi sẽ sản xuất nhiều hơn 1 triệu FPV so với dự kiến. Các máy bay tấn công tầm trung, tầm xa sẽ được ưu tiên sản xuất vì chúng phát huy hiệu quả tốt hơn trên chiến trường", ông Kamyshin nói.
FPV là viết tắt của cụm từ First Person View (góc nhìn thứ nhất). Thay vì chỉ có thể điều khiển và quan sát qua một màn hình thông thường, FPV đem lại cho người điều khiển cảm giác chân thực như một phi công đang ngồi trong buồng lái máy bay. Loại máy bay này thực hiện cả nhiệm vụ trinh sát và tấn công, có khả năng điều chỉnh hỏa lực pháo binh, tấn công thiết bị quân sự, đồng thời có thể truy đuổi các mục tiêu đang di chuyển.
Theo ông Kamyshin, trong khoảng 1 triệu FPV sẽ ra đời vào năm 2025, có hơn 10.000 máy bay tấn công tầm trung có khả năng bay hàng trăm km và hơn 1.000 máy bay tầm xa có khả năng tiếp cận mục tiêu cách bệ phóng 1.000km.
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, máy bay không người lái FPV đã được sử dụng rất nhiều trong chiến đấu. Cả hai bên đều nỗ lực phát huy tối đa khả năng tấn công của những vũ khí giá rẻ này bằng cách buộc thuốc nổ vào chúng và sử dụng chúng để tấn công đối phương, từ xe bọc thép đến binh lính trong chiến hào.
Ukraine thường xuyên sử dụng máy bay không người lái tấn công tầm trung và tầm xa — lớn hơn loại FPV giá rẻ, để thực hiện các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga và nhắm vào các cơ sở năng lượng và quân sự quan trong của nước này.
Kiev cũng đồng thời sử dụng vũ khí tự chế và cải tiến chúng cho các nhiệm vụ khác. Ví dụ, nước này đã trang bị cho máy bay không người lái của hải quân các bệ phóng tên lửa, và biến một trong những tên lửa hành trình chống hạm của mình thành vũ khí tấn công trên bộ. Những cải tiến này đã giúp Kiev giành được những lợi thế nhất định trên chiến trường.
Những hệ thống vũ khí tự chế này đã mang lại cho Kiev khả năng mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động ra ngoài biên giới, đặc biệt là khi nước này vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế trong việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp cho những mục đích như vậy.
"Chúng tôi đã chứng minh rằng không có ranh giới đỏ nào cả. Bây giờ, chúng tôi có thể dễ dàng tiếp cận các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, khoảng 1.500 km", ông Kamyshin nói.
Hiện cả Nga và UKraine đều đang nỗ lực tăng cường sản lượng quốc phòng để đáp ứng nhu cầu vũ khí trên chiến trường. Năm 2023, Nga dành 21% tổng chi tiêu liên bang vào lĩnh vực quốc phòng, tăng từ mức gần 14% vào năm 2020. Ngân sách liên bang năm 2024 của Nga yêu cầu tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng thậm chí còn lớn hơn, ở mức 29%.