UNESCO trao giải Tưởng nhớ các nạn nhân trong Thế chiến II?
VOV.VN - Hàn Quốc mong được UNESCO trao giải Tưởng nhớ Thế giới đối với các nạn nhân trong thời gian cai trị thực dân của Nhật Bản.
Ngày 2/12, các chính trị gia và các học giả Hàn Quốc cho biết, họ mong muốn được UNESCO công nhận danh hiệu “Tưởng nhớ thế giới” đối với danh sách hàng trăm nghìn người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động và phục vụ quân đội Nhật Bản trong thời gian bán đảo Triều Tiên còn là thuộc địa của Nhật Bản (1910-1945).
Một trong số các danh sách được nhà chức trách Hàn Quốc công bố (Ảnh: Arirang News) |
Tuyên bố đưa ra sau phát hiện gần đây của Hàn Quốc cho thấy rất nhiều tên của người Hàn Quốc được cho là nạn nhân trong thời gian cai trị thực dân của Nhật Bản.
Đại sứ quán Hàn Quốc tại Nhật Bản gần đây đã tìm thấy 3 danh sách bao gồm tên của tổng cộng 229.781 người Hàn Quốc bị buộc lao động khổ sai và phục vụ quân đội trong suốt chiến tranh thế giới thứ 2.
Theo những hồ sơ do chính phủ Hàn Quốc công bố vào những năm 1950 cho thấy, sự kiểm soát thuộc địa tàn bạo của Nhật Bản và sự tác động lớn hơn so với tưởng tượng của Hàn Quốc.
Ngoài các danh sách mới được tìm thấy, Chính quyền Seoul cũng biên soạn 1 cuốn sách vào năm 1957 có ghi tên của 285.771 nạn nhân bị cưỡng bức lao động. Cuốn sách được biên soạn lại vào năm 2005 ghi nhận thêm tên của 110.000 nạn nhân.
Phụ tá của đại biểu Đảng cầm quyền Lee Myoung-su cho biết: “Chúng tôi đang xem những danh sách này như những hồ sơ quý giá để chứng minh người Hàn Quốc bị ép buộc lao động khổ sai cho Nhật Bản”.
Các nhà sử học Hàn Quốc đang mong muốn được UNESCO trao giải “Tưởng nhớ thế giới” đối với danh sách tên những nạn nhân người Hàn Quốc này. Họ nhấn mạnh rằng, những cái tên này xứng đáng được ghi nhận vì đó là hồ sơ quý giá chứng minh tội ác chiến tranh của Nhật Bản.
Giáo sư sử học tại trường đại học Soongsil tại Seoul, Hwang Min-ho nói rằng: “Danh sách các nạn nhân là di sản văn hóa phù hợp với mục đích của UNESCO, tổ chức ghi nhận những khám phá và bảo tồn những di sản văn hóa có giá trị phổ quát. Chúng ta cần sử dụng danh sách này như những tài liệu để giúp con người nhận ra tầm quan trọng về hòa bình và nhân quyền”./.