Vaccine COVID-19 dạng xịt mũi của Trung Quốc có hiệu quả ngay sau 24 giờ
VOV.VN - Trung Quốc hiện đang phát triển một loại vaccine COVID-19 dạng xịt mũi với đặc điểm nổi bật là có tác dụng nhanh. Loại vaccine này có tác dụng ngay 24 giờ sau khi sử dụng.
Giới thiệu về vaccine COVID-19 dạng xịt mũi của Trung Quốc tại Diễn đàn Trung Quan Thôn 2021 hôm qua (27/9), ông Hạ Ninh Thiệu, Hiệu trưởng Học viện Y tế Công cộng thuộc Đại học Hạ Môn cho biết, loại vaccine này chỉ cần dùng một liều duy nhất và có tác dụng ngay 24 giờ sau khi sử dụng. Điều này có thể giúp nâng cao khả năng kiểm soát nhanh chóng các ổ dịch tại chỗ và sử dụng cho các hội nghị lớn hoặc các sự kiện thể thao.
Đây là loại vaccine vector virus cúm giảm độc lực xịt qua đường mũi do nhóm của ông phát triển, đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, II và mở rộng, cho thấy tính an toàn tốt. 63 người đã tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và 724 người tham gia giai đoạn II. Tất cả đều không xuất hiện các phản ứng bất thường nghiêm trọng. Đáp ứng miễn dịch tế bào có thể kéo dài ít nhất 6 tháng.
Một thử nghiệm dùng làm liều tăng cường cho các loại vaccine bất hoạt tiêm 2 mũi cũng cho thấy khả năng bảo vệ hiệp đồng và nâng cao hiệu quả.
Theo ông Hạ, do vaccine này có tác dụng trong 24 giờ sau khi sử dụng một liều duy nhất, nên có thể đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp. Trong trường hợp dịch bất ngờ bùng phát với số lượng bệnh nhân lớn và không thể sàng lọc và kiểm soát ngay F1, F2..., vaccine này sẽ giúp nhanh chóng củng cố hàng rào miễn dịch, nâng cao năng lực kiểm soát nhanh các ổ dịch, cũng như đảm bảo hữu hiệu cho các hội nghị lớn hoặc các sự kiện thể thao.
Ngoài ra, do việc chủng ngừa trong vòng 24 giờ sau khi nhiễm bệnh vẫn có tác dụng bảo vệ, nên khi sử dụng khẩn cấp vaccine này cho các trường hợp F1, F2..., còn giúp những người mắc mới không bị chuyển nặng hoặc tử vong.
Tính đến nay, Trung Quốc đã có 24 loại vaccine COVID-19 thuộc 5 tuyến kỹ thuật khác nhau bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 9 loại đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, 4 loại đã được đưa ra thị trường có điều kiện, 3 loại được phê duyệt sử dụng khẩn cấp trong nước và 2 loại được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp trên toàn cầu./.