Vấn đề biển Đông - các bên kiềm chế là cần thiết

Vấn đề biển Đông đang “làm tăng nhiệt” những căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.

Mấy ngày gần đây, báo chí Trung Quốc đồng loạt đăng bài phản đối gay gắt việc chính quyền Mỹ thể hiện mối quan ngại về tình hình khu vực biển Đông và tuyên bố sẽ theo dõi sát các diễn biến ở đây.

Có thể nói rằng, kể từ khi biển Đông nóng lên với những tranh chấp về chủ quyền giữa các nước trong khu vực, đây là lần đầu tiên Mỹ bày tỏ quan điểm một cách mạnh mẽ và rõ ràng về những lo ngại của Mỹ đối với tình hình biển Đông.

Tối 2/8, Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua Nghị quyết S.Res 524 tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. Ngay sau đó, Chính quyền Tổng thống Obama cũng ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: Là một quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và thương mại hợp pháp tại khu vực Biển Đông. Mỹ tin tưởng các quốc gia trong khu vực phối hợp chặt chẽ và sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp không sử dụng biện pháp ép buộc, dọa dẫm, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Mỹ ủng hộ nguyên tắc 6 điểm gần đây của ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Sự quan tâm đặc biệt của Mỹ đối với vấn đề biển Đông còn thể hiện qua Dự luật H.R.6313 mà Hạ nghị sỹ Faleomavaega giới thiệu trước Hạ viện Mỹ nhằm thúc đẩy việc giải quyết hòa bình và hợp tác các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển này. Theo đó, ông Faleomavaega kêu gọi Trung Quốc không có những hành động đơn phương và ngay lập tức tham gia đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử tại khu vực Biển Đông có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý.

Như vậy là cả cơ quan hành pháp và lập pháp Mỹ đã cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề nóng bỏng nhất của khu vực trong cùng một thời điểm. Và điều dễ nhận thấy là chính quyền Mỹ đã đề cao hơn vai trò của ASEAN, cũng như sự ủng hộ của Mỹ đối với ASEAN trong việc giải quyết ổn thỏa vấn đề biển Đông.

Điều này là hoàn toàn phù hợp với các chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đang triển khai, song nó lại khiến Trung Quốc có những phản ứng dữ dội.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Phó Đại sứ Mỹ để bày tỏ sự phản đối. Phía Trung Quốc cho rằng, những lời bình luận của Washington về các hành động của Trung Quốc tại biển Đông là "không tôn trọng sự thật" và phát đi "tín hiệu sai lầm nghiêm trọng" về Trung Quốc.

Chắc chắn rằng, các động thái này sẽ “đẩy căng” hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây có lẽ là điều mà cộng đồng quốc tế không hề mong muốn. Vấn đề biển Đông là vấn đề chung của nhiều quốc gia nên đòi hỏi một sự bình tĩnh, kiềm chế để cùng giải quyết vấn đề. Những tranh cãi hay chỉ trích lẫn nhau sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình tại khu vực vốn đã nóng bỏng này. Thêm vào đó, đôi khi các cường quốc đối địch với nhau thì phần thiệt thòi lại rơi vào các nước nhỏ trong khu vực.

Vì thế, thay vì tính toán các hành động đáp trả về mặt ngoại giao, các bên cần phát đi tín hiệu thiện chí để thúc đẩy giải pháp chung cho vấn đề biển Đông. ASEAN với vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề khu vực đã tạo dựng được những hành lang pháp lý quan trọng để lộ trình tìm kiếm hòa bình, ổn định tại khu vực biển Đông có thể theo đó mà bước đi. Đó là Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên tại khu vực Biển Đông (DOC) năm 2002. Và mới đây, ASEAN đã thống nhất được nguyên tắc 6 điểm mà cả Mỹ và Trung Quốc đều bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Điều quan trọng mà các bên đang hướng tới là việc cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), tạo ra các quy định và nguyên tắc để giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Có lẽ đó là những việc quan trọng và có ý nghĩa hơn rất nhiều so với các cuộc “khẩu chiến” ngoại giao mà các bên có thể lâm vào trong thời gian tới.

Có thể thấy rằng, việc kiềm chế là rất cần thiết để không làm nóng thêm tình hình tại khu vực biển Đông. Dư luận hy vọng, với thiện chí mà các bên đang nỗ lực thể hiện, khó khăn rồi sẽ được giải quyết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên