Vận mệnh Syria sẽ đi về đâu sau khi chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ?
VOV.VN - Phe đối lập ở Syria chỉ mất 11 ngày để chấm dứt cuộc nổi loạn kéo dài 13 năm chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Cuộc tấn công diễn ra nhanh đến nỗi những gì xảy ra tiếp theo ở Syria, ở một mức độ nào đó, không ai có thể đoán trước được.
Ngày 8/12, truyền hình nhà nước phát đi thông điệp của lực lượng nổi dậy tại Syria, tuyên bố nhóm này đã tiến vào thủ đô Damascus và lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
"Damascus đã được giải phóng và ông Bashar al-Assad đã bị lật đổ. Các tù nhân bị áp bức trong các nhà tù đã được thả. Chúng tôi yêu cầu người dân và các chiến binh bảo vệ mọi tài sản ở Syria tự do. Syria tự do cho tất cả người Syria thuộc mọi giáo phái" – người phát ngôn của phe nổi dậy nhấn mạnh.
Có thể nói chỉ trong vòng 14 tháng, kể từ khi Hamas tấn công Dải Gaza hồi tháng 10 năm ngoái, lịch sử Trung Đông lại một lần nữa sang trang. Trong những ngày tới, bối cảnh địa chính trị của Trung Đông sẽ tiếp tục được định hình lại khi quyền lực ở Syria chuyển từ nhóm thiểu số Alawite của ông Assad, một nhánh của dòng Shia, sang nhóm đa số người Ả Rập Sunni của nước này.
Các căn cứ quân sự của Nga tại Syria, bao gồm căn cứ hải quân tại Tartus và căn cứ không quân tại Hmeimim, đang đứng trước mối đe dọa. Trong khi đó, Moscow cũng cần phải chia sẻ nguồn lực quân sự để ứng phó với Ukraine, đặt ra những thách thức lớn về chiến lược và tầm ảnh hưởng địa chính trị.
Đối với Iran, sự sụp đổ chính quyền Tổng thống Assad là "một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Trung Đông", cựu Phó Tổng thổng Mohammad Ali Abtahi nhận định. Điều này cũng khiến Iran mất đi quốc gia khách hàng quan trọng nhất của mình, do Syria hiện đóng vai trò cầu nối trên bộ quan trọng giữa Iran và Lebanon, nơi Iran có thể tái vũ trang và tiếp tế cho Hezbollah. Đó có thể là một tin mừng dành cho Israel khi chế độ mới ở Syria nhiều khả năng sẽ cắt đứt dòng chảy vũ khí từ Iran cho lực lượng này.
Ông Abtahi cũng nói thêm rằng mạng lưới lực lượng ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông sẽ "không còn sự hỗ trợ và sẽ phải chịu áp lực quân sự lớn từ Israel". Trên thực tế, các cuộc không kích gần đây nhắm vào mục tiêu Syria của Israel đã làm suy yếu phần nào các lực lượng vũ trang được Tehran hậu thuẫn là Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Gaza.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại về những gì sẽ xảy ra khi sau khi chính quyền Tổng Assad sụp đổ.
Hayat Tahrir al-Sham (HTS), tên tiếng Ả Rập có nghĩa là “Tổ chức Giải phóng Levant” - phe phiến quân Hồi giáo đã phát động cuộc tấn công dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad và hiện được cho là đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình tương lai của Syria - vẫn còn là ẩn số. Ra đời vào thời điểm nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, HTS từng là chi nhánh của al-Qaeda cho đến khi rời khỏi tổ chức này vào 6 năm sau đó.
Lãnh đạo của HTS, Abu Mohammed al-Jolani, đã thụ án 5 năm tại nhiều trại giam khác nhau của Mỹ ở Iraq, bao gồm cả ở Abu Ghraib và có quan hệ với các tổ chức khủng như al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hiện Jolani vẫn nằm trong danh sách truy nã của Mỹ với mức treo thưởng 10 triệu USD.
Khi lực lượng nổi dậy tiến về phía Nam từ vùng lãnh thổ đang chiếm giữ ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Jolani đã liên lạc với giới chức Iran, Israel cũng như với các nhóm thiểu số Alawite và Cơ đốc giáo đang lo lắng ở Syria, nhằm đảm bảo rằng quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra trong hòa bình và sẽ không có hành động trả đũa liên quan đến sắc tộc nào được thực hiện.
Ngoài HTS, còn có nhiều nhóm phiến quân khác, từ các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đến các nhóm do người Kurd lãnh đạo, mặc dù đã bị suy yếu nghiêm trọng nhưng vẫn kiểm soát được một phần lãnh thổ Syria và vẫn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công cục bộ.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tại thủ đô Damascus, người dân Syria vẫn rất lạc quan rằng một kỷ nguyên dân chủ mới đang dần hình thành.
Ông Mazloum Abdi, chỉ huy Lực lượng Dân chủ Syria, một nhóm vũ trang do người Kurd lãnh đạo cho biết: "Chúng ta đang sống trong những khoảnh khắc lịch sử khi chứng kiến sự sụp đổ của chế độ cũ ở Damascus. Sự thay đổi này mở ra cơ hội xây dựng một nước Syria mới dựa trên nền dân chủ và công lý, đảm bảo quyền lợi cho tất cả người dân Syria”.
Sự lạc quan như vậy là có cơ sở. Dù vậy, đây cũng là lời nhắc nhở rằng các nhóm phiến quân trên khắp Syria sẽ tìm cách đảm bảo một vị trí trong trong chính quyền mới, kể cả phải sử dụng đến vũ lực.
Một điều đáng lo ngại hơn cả là Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ quan điểm trái ngược so với người tiền nhiệm Joe Biden về cách tiếp cận các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ. Bình luận về các sự kiện ở Syria vào cuối tuần này, ông Trump đã nói rõ rằng, ông muốn tránh xa căng thẳng ở Syria sau khi lên nắm quyền vào tháng 1. Ông nhấn mạnh: "Đây không phải là cuộc chiến của Mỹ. Đừng dính líu vào nó" trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 7/12.
Thiếu các biện pháp kiềm chế cứng rắn từ Mỹ, giới quan sát lo ngại các nhóm vũ trang bất mãn sẽ thực hiện nhiều hành động táo bạo hơn trong tương lai. Nói cách khác, cuộc nổi dậy suốt 13 năm chống lại chính quyền của ông Bashar al-Assad có thể đã kết thúc nhưng nội chiến Syria vẫn còn phải đi một con đường dài mới tới điểm kết.