Vệ tinh 6 tấn của NASA rơi xuống Nam Thái Bình Dương

Các mảnh vụn của vệ tinh rơi gần đảo Samoa và không gây bất cứ thiệt hại nào.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 27/9 thông báo, những mảnh vụn từ một vệ tinh khoa học của cơ quan này đã ngừng hoạt động và bị rơi xuống Trái Đất cuối tuần trước, đã được phát hiện tại một khu vực hẻo lánh ở Nam Thái Bình Dương và không gây thiệt hại nào.

Trong một tuyên bố, NASA cho biết vị trí các mảnh vụn của Vệ tinh Nghiên cứu thượng tầng khí quyển (UARS) của NASA bị rơi xuống Trái Đất hôm 24/9 nằm trong một khu vực đại dương rộng lớn và xa xôi ở Nam Bán cầu, cách xa bất cứ một vùng đất lớn nào. Trung tâm Vận hành vũ trụ hỗn hợp tại Căn cứ không quân Vandenberg bang California xác định vệ tinh nặng gần 6 tấn này đã đi vào tầng khí quyển trên bầu trời Thái Bình Dương ở tọa độ 14,1 độ vĩ Nam và 170,2 độ kinh Tây. Vị trí vệ tinh UARS rơi xuống thuộc Thái Bình Dương, gần đảo Samoa. Các mảnh vụn sau đó phân tán trong phạm vi 300 đến 800 dặm (480-1.300 km).

Vệ tinh nghiên cứu tầng thượng khí quyển dài 10,6m và có đường kính 4,6m, là một trong những vệ tinh lớn nhất rơi tự do qua tầng khí quyển Trái Đất. Trước đó, một số nguồn tin chưa được xác nhận trên mạng xã hội Twitter cho biết các mảnh vỡ của vệ tinh có thể đã rơi xuống phía Tây Canada.

Vệ tinh này được đưa lên quỹ đạo năm 1991 để nghiên cứu khí ozone và các hóa chất khác trong khí quyển Trái Đất. Sau 14 năm hoạt động, vệ tinh này đã bị NASA vô hiệu hóa vào năm 2005 sau khi đưa nó xuống quỹ đạo thấp hơn, rút ngắn vòng đời của nó xuống còn 20 năm. Kể từ đó, vệ tinh này mất dần độ cao do chịu tác động của trọng lực Trái Đất.

Hiện NASA có kế hoạch kiểm soát quá trình quay trở lại Trái Đất của các tàu vũ trụ lớn, biện pháp đã không được thực hiện khi họ thiết kế chiếc vệ tinh này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên