Vì sao Ecuador bảo vệ nhà sáng lập mạng WikiLeaks – Julian Assange?

Ẩn náu vào Sứ quán Ecuador, ông Julian Assange tránh được sẽ bị dẫn độ sang Thụy Điển, hoặc Mỹ.

Việc Chính phủ Ecuador vừa quyết định trao quy chế tị nạn chính trị cho nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, ông Julian Assange và trước đó chấp nhận cho ông này ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador tại Anh, khiến quan hệ giữa Ecuador và Anh căng thẳng.

Poster ủng hộ Assange bên ngoài Sứ quán Ecuador ở London (Ảnh: Getty Images)

Anh ngay lập tức đáp trả bằng một tuyên bố là sẽ không bao giờ cấp giấy thông hành để Assange rời khỏi nước này. Thậm chí London còn đe dọa dùng vũ lực bắt Julian Assange nếu ông này rời khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London. Thực chất, không phải Ecuador cố tình muốn đẩy quan hệ với Anh tới mức căng thẳng như vậy.

Giới phân tích cho rằng, Ecuador muốn qua vụ việc này nhằm “dằn mặt” Mỹ, qua đó cũng tiếp thêm sức mạnh cho ông Rafael Correa trong cuộc chạy đua Tổng thống Ecuador vào năm tới (2013). Dù, chính quyền của Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã từng có những mối quan hệ thân thiết với Mỹ, nhưng mối quan hệ này đã xấu đi từ tháng 4/2011, khi chính phủ Ecuador trục xuất Đại sứ Mỹ, bà Heather Hodges, vì bình luận mà bà đưa ra trong các công điện mật được WikiLeaks tiết lộ.

Bản thân Tông thống Rafael Correa đã từng hủy kế hoạch của một thỏa thuận thương mại với Mỹ, cấm quân đội Mỹ sử dụng một căn cứ không quân trên bờ biển Thái Bình Dương của Ecuador cho máy bay do thám chống buôn lậu ma túy và trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi nước này do bất đồng về một chương trình viện trợ. 

Mỹ cũng đáp trả bằng tuyên bố không công nhận Đại sứ Ecuador ở Washington. Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ Latin và phương Tây chưa bao giờ được đánh giá là thuận buồm xuôi gió. Điển hình là vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Argentina và Anh. Các nước Mỹ Latin đã hình thành một mặt trận chống Anh và đưa vấn đề này ra trước Liên Hợp Quốc. 

Nhà sáng lập Julian Assange, nhanh chóng nhận ra tình trạng căng thẳng giữa Ecuador với Mỹ và cả các nước châu Mỹ Latin đối với Mỹ và phương Tây. Hơn thế nữa, ông còn thấy được sự đồng cảm của Tổng thống Ecuador Correa đối với mình. Ẩn náu vào Sứ quán Ecuador, rõ ràng là con đường sống cho ông nhằm tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, hoặc Mỹ. Vì tại Mỹ, ông có thể phải đối mặt với những cáo buộc như gián điệp và có nguy cơ lãnh án tử hình. Đây là cũng là lý do khiến Ecuador quyết định cho phép ông Assange tị nạn.

Quyết định đó của Ecuador đã được các nước Mỹ Latin ủng hộ. Không những thế, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Nam Mỹ (UNASUR) đã lên án việc Anh đe dọa dùng vũ lực bắt nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange trong tòa Đại sứ Ecuador ở London và khẳng định “quyền của các nước thừa nhận tình trạng tị nạn”.

Bằng việc bảo vệ nhà sáng lập mạng WikiLeaks, Ecuador chỉ muốn “dằn mặt” Mỹ, và khẳng định tính độc lập và kiên quyết của mình đối với các vấn đề của khu vực. Tuy nhiên, cả hai bên đều đang cố gắng giảm thiểu những tác động tiêu cực của vụ việc này nhằm tránh để xảy ra cuộc chiến ngoại giao giữa các nước Mỹ Latin và phương Tây.

Trong một cuộc họp báo diễn ra ở Quito ngày 22/8 vừa qua, Tổng thống Ecuador Rafael Correa phê phán các thượng nghị sĩ Mỹ dọa cắt những ưu đãi thuế quan do Quito cấp quy chế tị nạn cho người sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange. Nhà lãnh đạo cánh tả này nêu rõ Mỹ đã mâu thuẫn khi tuyên bố vụ Assange là việc nội bộ giữa Ecuador và Anh.

Ông Assange ấn náu trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ tháng 6/2012, sau khi thất bại trong cuộc chiến pháp lý chống lại lệnh dẫn độ ông sang Thụy Điển, nước đang muốn thẩm vấn ông về cáo buộc xâm hại tình dục mà ông phủ nhận.

WikiLeaks là trang mạng tại Thụy Điển, chuyên đăng tải nội dung các thông tin ngoại giao mật. Trang mạng này đã nhiều lần tiết lộ tài liệu mật của Mỹ gây chấn động dư luận thế giới. Sau vụ tiết lộ 250.000 điện tín ngoại giao nội bộ của Mỹ ngày 28/11/2010, WikiLeaks liên tục bị tấn công và phải thay tên miền để tiếp tục hoạt động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên