Vì sao Philippines không muốn dứt khỏi Mỹ bất chấp bê bối ngoại giao?
VOV.VN - Tổng thống Philippines Duterte đã gần như ngay lập tức xin lỗi ông Obama sau khi công khai mắng Tổng thống Mỹ và gây ra một vụ bê bối về ngoại giao.
Theo CNBC, việc ông Duterte đổi thái độ “180 độ” với Tổng thống Obama nhằm hàn gắn mối quan hệ song phương xuất phát từ những lý do rất dễ nhận thấy.
Tổng thống Philippines Duterte đã xin lỗi ông Obama sau khi có những lời lẽ khiếm nhã nhằm vào Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP
Chính phủ Philippines ngày 6/9 ra tuyên bố lý giải về phản ứng đầy bất ngờ của ông Duterte khi “mắng” Tổng thống Obama. Theo đó, ông Duterte “không khỏi bất bình khi nhận được thông tin từ báo chí rằng, Tổng thống Obama “sẽ dạy dỗ ông ra trò” về những vụ giết hại các nghi can dù họ chưa hề bị xét xử”.
“Tổng thống Duterte lấy làm tiếc rằng những tuyên bố của ông ấy trước báo giới gây ra nhiều tranh cãi đến như vậy”, tuyên bố của Chính phủ Philippines nêu rõ: “Ông Duterte bày tỏ sự kính trọng và quý mến sâu sắc dành cho Tổng thống Obama cũng như mối quan hệ lâu bền giữa 2 quốc gia”.
Mối quan hệ Mỹ-Philippines bắt đầu vào năm 1898 khi Tây Ban Nha nhường quyền cai trị Philippines cho Mỹ sau cuộc chiến Tây Ban Nha-Mỹ.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Philippines giành được quyền độc lập. Kể từ đó, Mỹ thường xuyên duy trì hiện diện quân sự tại Philippines. Sự hiện diện của Mỹ trong những năm gần đây có tầm quan trọng chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc tỏ ra ngày càng hiếu chiến trong vấn đề Biển Đông.
Không chỉ có tầm quan trọng về chính trị, Mỹ còn là nhà đầu tư lớn nhất của Philippines với số vốn đầu tư trực tiếp lên đến 731 triệu USD vào năm 2015, hầu hết khoản tiền này được đổ vào ngành công nghiệp chế tạo của Philippines.
Ngoài ra, Mỹ cũng là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Philippines, bao gồm số máy móc trị giá gần 5 tỷ USD và số hàng dệt may trị giá hơn 1,1 tỷ USD. Cán cân thương mại giữa hai bên cũng rất chênh lệch và thương mại của Philippines cũng phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ./.