Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải xuống thang để giải quyết tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải?
VOV.VN - Giới phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện chính sách đối thoại mềm mỏng để tránh các biện pháp trừng phạt của EU vì việc đó sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của nước này.
Tại sao Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ngồi lại sau 4 năm không thể đàm phán?
Trong nhiều thập kỷ, tranh chấp biên giới trên biển phía Đông Địa Trung Hải là một vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa các nước, nhất là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc phát hiện ra các nguồn khí đốt thiên nhiên ngoài khơi của khu vực đã biến Đông Địa Trung Hải trở thành một khu vực chiến lược quan trọng không chỉ giữa các quốc gia này mà còn là các nước trong EU và khu vực Trung Đông – Bắc Phi. Do đó, việc tranh chấp về khu vực đặc quyền kinh tế giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, nhất là các nước lớn trong Liên Minh châu Âu như Italy, Pháp, Đức… Đỉnh điểm rạn nứt mối quan hệ giữa hai nước láng giềng ở Địa Trung Hải là vào tháng 3/2016. Khi đó hai nước đã ngừng tổ chức các vòng đàm phán thăm dò, một hoạt động đã thiết lập từ năm 2002 và trải qua được 60 vòng đàm phán.
Trong thời gian trở lại đây, căng thẳng leo thang tại khu vực này do những động thái Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng biển Địa Trung Hải khiến cho quan hệ giữa Ankara với các nước láng giềng nói riêng và EU nói chung ngày càng trở nên tồi tệ. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu sức ép lớn từ cảnh báo áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh tay từ EU khiến cho nước này buộc phải chủ động mời Hy lạp ngồi vào bàn đàm phán vào ngày 25/1 tới.
Trong thời gian gần đây, Tổng thống Erdogan đã giảm bớt những luận điệu đối đầu của mình đối với EU và đề xuất mong muốn tạo ra một chương mới trong quan hệ với EU. Động thái này cũng cho thấy Ankara đã buộc phải xuống thang để giải quyết mối quan hệ với Liên minh châu Âu cũng như đảm bảo những lợi ích tương lai của mình. Giới phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện chính sách đối thoại mềm mỏng để tránh các biện pháp trừng phạt của EU dự kiến được áp đặt vào tháng 3 tới vì việc này sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của nước này.
Liên minh châu Âu hoan nghênh hai bên nối lại đàm phán
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, mối quan hệ giữa hai thành viên NATO này đã bị rạn nứt nghiêm trọng do các vấn đề tranh chấp về ranh giới lãnh hải. Hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt ở Đông Địa Trung Hải là nguyên nhân "châm ngòi căng thẳng" giữa Athens và Ankara. Hy Lạp coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp, trong khi thổ Nhĩ Kỳ khẳng định khu vực mà nước này đang tiến hành thăm dò tài nguyên thuộc thềm lục địa của mình. EU đã nhiều lần lên tiếng đứng ra hòa giải và hỗ trợ hai nước tiến hành đàm phán, tuy nhiên đến hết năm 2020 vẫn chưa đạt được hiệu quả.
Những ngày đầu năm 2021, một tín hiệu tích cực đã được Ankara phát đi khi nước này mong muốn được đàm phán với Hy Lạp. EU cũng đang đứng trước sứ mệnh lịch sử của mình khi có vai trò không nhỏ trong việc tháo gỡ nút thắt ở Đông Địa Trung Hải hiện nay đồng thời thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc hỗ trợ quá trình đàm phán về lãnh hải của hai nước. Tuy nhiên, với một số tuyên bố gần đây sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết những tranh chấp lâu đời về ranh giới hàng hải ở phía Đông Địa Trung Hải đã cho thấy lập trường của EU không hoàn toàn ở vị trí trung lập.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, khi quan hệ giữa hai bên EU và Thổ Nhĩ Kỳ ở mức thấp nhất, Hy Lạp là thành viên của Liên minh châu Âu, nên việc EU có phần nghiêng về đồng minh là một điều dễ hiểu. Điều này được thể hiện khá rõ khi mới đây người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của EU Peter Stano tuyên bố EU hoan nghênh kế hoạch nối lại đàm phán của hai nước, Liên minh châu Âu luôn mạnh mẽ và đoàn kết, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp trong cuộc đàm phán lần này. Bên cạnh việc vận động, thuyết phục hai bên cùng tham gia đàm phán, EU cũng thể hiện rõ ràng động thái cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn các hành động gây hấn làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Địa Trung Hải.
Trang mới cho quan hệ Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ?
Trước hết, cần nhìn lại quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vấn đề mà cả hai bên không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đầu tiên đó là câu chuyện về tư cách thành viên Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987, đến năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ mới được công nhận tư cách ứng cử viên. Tiếp đó, Ankara phải chờ đến năm 2015 để bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU. Từ đó cho đến nay, các cuộc đàm phán về vấn đề này gần như dậm chân tại chỗ bởi giữa hai bên vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Điều này cũng được thể hiện qua tuyên bố của Tổng thống Erdogan khi muốn được EU đối xử công bằng, thậm chí trở thành một phần của khối.
Tiếp đó là sự bất đồng về vấn đề người nhập cư của hai bên. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ quan trọng vào châu Âu của người di cư. Tuy nhiên, việc hỗ trợ của EU cho vấn đề này trên thực tế chỉ bằng một phần nhỏ so với mức chi thực tế mà nước này cho biết lên tới 40 tỷ USD. Đây cũng là lý do của việc Tổng thống Erdogan tuyên bố mở cửa biến giới để gây sức ép với Liên minh châu Âu vào hồi tháng 3 năm ngoái trong bối cảnh châu Âu đang oằn mình chống lại dịch Covid-19. Việc này khiến cho mối quan hệ không mấy mặn mà tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã trải qua một năm đầy sóng gió liên quan đến chính sách ngoại giao cứng rắn của Ankara ở Libya, khu vực Trung Đông và xung đột lên đỉnh điểm là tranh chấp tại Đông Địa Trung Hải. Rõ ràng, EU cần phải lên tiếng bảo vệ vùng lãnh hải hai nước thành viên của mình là Hy Lạp và Cộng hòa Síp theo công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 trong khi Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bảo vệ luận điểm cho rằng, Ankara có quyền khai thác tài nguyên trên vùng biển của mình. Do đó, nếu giải quyết được vấn đề này sẽ là tiền đề quan trọng cải thiện mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU trong thời gian tới.
Vậy liệu quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cải thiện, hay vẫn tiếp tục chạm đáy? Câu trả lời vẫn còn phải chờ sau cuộc đàm phán vào ngày 25/1 tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Liên minh châu Âu vẫn nhất quán áp đặt các biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vẫn tiếp tục chơi trò “mèo vờn chuột” ở Đông Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, rất khó để đoán định những biện pháp cụ thể nào được thực hiện để xoa dịu và giải quyết mối quan hệ giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ của cả hai phía. Bởi lẽ, lâu nay mối quan hệ này vẫn là chủ đề gây chia rẽ giữa các thành viên trong EU. Trong khi nhiều quốc gia thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ thì một số nước khác lại lo ngại nếu xử lý không phù hợp thì chính châu Âu sẽ tự đẩy mình vào cơn ác mộng khủng hoảng nhập cư năm 2015. Những quốc gia ở vị trí trung lập cho rằng cần có sự thảo luận kỹ càng về những biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trên cơ sở đảm bảo được yếu tố khách quan và bền vững.
Do vậy, mặc dù luôn thể hiện sự cứng rắn trong các tuyên bố đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng EU vẫn luôn thể hiện rõ lập trường ủng hộ và hỗ trợ hết sức để thúc đẩy cuộc đàm phán vào cuối tháng này giải quyết tranh chấp hiện nay ở Địa Trung Hải trên cơ sở các bên cùng có lợi cũng như cải thiện mối quan hệ hiện nay với Thổ Nhĩ Kỳ./.