Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp vào các nỗ lực thúc đẩy y tế toàn cầu
VOV.VN - Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/2 đã nhất trí thông qua 02 Nghị quyết về phương thức tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh và Phiên họp cấp cao về phòng chống bệnh lao, dự kiến sẽ được tổ chức trong Tuần lễ cấp cao của khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2023.
Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó dịch bệnh được tổ chức nhằm mục đích rút ra các kinh nghiệm, bài học của thế giới trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, qua đó thúc đẩy cách tiếp cận đa chiều nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Trong khi đó, Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng về phòng chống bệnh lao nhằm mục tiêu huy động ý chí chính trị và tăng cường các biện pháp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tài chính và đổi mới để nhanh chóng chấm dứt đại dịch lao toàn cầu, thông qua đảm bảo tiếp cận bình đẳng cho các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị.
Trên cương vị là nước đã chủ trì xây dựng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh năm 2020 và là nước nòng cốt đưa ra Nghị quyết về tổ chức Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh năm 2022, từ tháng 1/2023 đến nay, Việt Nam đã chủ động phối hợp với các nước nòng cốt khác dẫn dắt tiến trình thương lượng để Đại hội đồng thông qua bằng đồng thuận 02 Nghị quyết trên.
Trong suốt quá trình thương lượng, Việt Nam nhấn mạnh và bảo vệ thành công các nội dung quan trọng của các Nghị quyết trên như cần phải đảm bảo tính liên kết, tương hỗ giữa các tiến trình lớn về y tế được thảo luận tại trên các diễn đàn đa phương liên quan, thu hẹp khoảng cách về tài chính. Đồng thời, đề cao sự cần thiết phải tăng cường phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai, thông qua chia sẻ các bài học, kinh nghiệm từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận kịp thời, công bằng và không bị cản trở đối với vaccine, chẩn đoán, điều trị cũng như tăng cường hệ thống y tế và khả năng chống chịu để đạt được phổ cập bảo hiểm y tế cho tất cả người dân.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình thương lượng tuyên bố chính trị của các Hội nghị nói trên để đóng góp hơn nữa vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, cũng như sớm chấm dứt đại dịch lao trên toàn cầu./.