Vụ án Cốc Khai Lai: Bí ẩn quanh cái chết của Neil Heywood
(VOV) - Bản thân bà Cốc và tòng phạm thừa nhận tội giết người. Song vẫn có nhiều nghi vấn về bên thứ 3 đã gây ra cái chết cho doanh nhân.
Phiên tòa xử phu nhân của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh (Trung Quốc) đã kết thúc chiều 9/8 mà không đưa ra được bản án nào (phán quyết sẽ được đưa ra trong thời gian tới). Cũng lần đầu tiên Tân Hoa xã đưa tin chính thức về vụ việc sau một thời gian dài truyền thông nước này im ắng về vụ án. Không chỉ vậy, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc còn tường thuật khá chi tiết về phiên xét xử. Bản tin của Tân Hoa xã hôm 10/8 có độ dài chưa từng thấy - tới 3.400 từ trong bản tiếng Anh, mà thường trong các vụ trước đó chỉ dài tối đa vài trăm từ. Các báo lớn sau đó đã đăng lại bài tường thuật của Tân Hoa xã.
Bà Cốc Khai Lai tại phiên tòa ở Hợp Phì (ảnh: Getty Images) |
Bà Cốc Khai Lai cùng trợ lý gia đình là Trương Hiểu Quân bị cáo buộc đã lên kế hoạch và ra tay đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood ở thành phố Trùng Khánh vào tháng 11/2011. Cả hai cùng nhận tội trong cáo trạng và tỏ ra hối lỗi về các tội ác đã gây ra.
Phiên tòa có sự tham dự của hơn 140 người, gồm có các nhà ngoại giao Anh cùng với người thân, bạn bè doanh nhân Heywood (sinh năm 1970), theo Tân Hoa xã.
Quá trình gây án
Theo cáo trạng và lời khai của bị cáo Cốc Khai Lai và đồng phạm Trương Hiểu Quân, thì bà Cốc đã có một quá trình dài lên kế hoạch và chuẩn bị cho việc sát hại Heywood. Trương Hiểu Quân, sinh năm 1979 và công tác tại Văn phòng Thành ủy Trùng Khánh, giúp xốc ông Heywood đã say mèm lên giường trong khách sạn trước khi bà Cốc đổ thuốc độc vào miệng ông này.
Cụ thể, ngày 12/11/2011, bà Cốc yêu cầu Trương liên lạc với Neil Heywood, hẹn ông ta tới gặp bà Cốc, rồi trực tiếp đón và đưa Heywood từ Bắc Kinh tới một khách sạn ở Trùng Khánh.
Hôm sau, 13/11, Trương đã thực hiện y như bà Cốc dặn. Heywood làm thủ tục vào phòng 1605 của khách sạn Lucky Holiday ở quận Nam Ngạn, thành phố Trùng Khánh. Hôm đó, bà Cốc chuẩn bị sẵn một chai thủy tinh đựng chất độc cyanide và một lọ thuốc con nhộng. Chai thủy tinh bà Cốc đưa cho Trương.
Tầm 9h tối, bà Cốc gặp và uống rượu với ông Heywood. Sau đó, Heywood say khướt và bị ngã trong phòng tắm. Lập tức bà Cốc gọi Trương vào phòng mang theo chai độc tố.
Theo lời khai của Trương được các công tố viên trình lên tòa, anh này đã đặt Heywood lên giường. Sau khi Heywood bị ói và xin nước uống, bà Cốc liền đổ chất độc cyanide ra cốc pha với nước, đến bên giường rồi vừa nói chuyện với vị doanh nhân vừa rót hỗn hợp chất độc vào miệng ông. Xong xuôi, bà Cốc rải các viên thuốc (có chứa chất gây nghiện) trên sàn nhà, vờ như thể Heywood vừa uống thuốc con nhộng liều cao.
Chứng cớ xác nhận
Tòng phạm Trương Hiểu Quân (ảnh: CCTV4) |
Đoạn video mà công tố viên đưa cho tòa khẳng định cả bà Cốc và Trương ghé thăm phòng của Heywood đêm xảy ra án mạng. Báo cáo khám nghiệm do Bộ Công an Trung Quốc cung cấp cho thấy đã phát hiện mẫu ADN của bà Cốc và Trương trên nắp chai và nắp cốc nước tại hiện trường vụ án.
Trước khi rời khỏi hiện trường, Cốc Khai Lai còn đặt biển ‘Không làm phiền’ ở cửa phòng và yêu cầu nhân viên khách sạn để vị khách ở lại một mình trong phòng 1605, theo lời khai của 1 phục vụ khách sạn.
Văn bản của Tân Hoa xã nêu rõ trong quá trình xét xử, các báo cáo của Bộ Công an và biên bản kiểm tra vật chứng của bên công tố khẳng định máu trích từ tim của Heywood cũng như mẫu dịch nôn mửa của ông này thu được tại hiện trường có chứa các ion cyanide và Heywood chết vì nhiễm độc cyanide. Kết luận này được đưa ra dựa trên việc xem xét lại các vật chứng thu từ hiện trường cũng như mẫu máu lấy từ tim Heywood, mà Sở Công an Trùng Khánh đã thu thập và bảo quản sau khi vị doanh nhân người Anh chết.
Các luật sư đặt nghi vấn về việc chuyển và bảo quản máu từ tim của nạn nhân và các vật chứng khác. Nhưng bên công tố chứng minh rằng cả máu và vật chứng đều được bảo quản trong điều kiện bình thường.
Bà Cốc được cho là hoàn toàn đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Bên công tố cho rằng Cốc Khai Lai có mục tiêu rõ ràng và động cơ thực tế để phạm tội. Bà đã có sự chuẩn bị trước, bao gồm tìm kiếm và tích trữ chất độc, lên kế hoạch đưa nạn nhân tới Trùng Khánh, sắp xếp địa điểm gây án,… và ý thức được hậu quả việc mình làm.
Tân Hoa xã cho hay các chuyên gia đến từ trung tâm nhận diện vật chứng của Bộ Công an đã có mặt tại phiên tòa để làm chứng và trả lời các câu hỏi của công tố viên và luật sư.
Động cơ gây án
Bản tường thuật của Tân Hoa xã cho biết bà Cốc Khai Lai phạm tội vì bảo vệ con trai mình là Bạc Qua Qua.
Bà Cốc khai rằng bà và con trai mình quen ông Heywood hồi năm 2005. Sau đó bà giới thiệu ông Heywood tham gia vào 1 dự án bất động sản mà chưa bao giờ được triển khai. Heywood sau đó xung khắc với cả bà Cốc và con trai bà về chuyện đền bù và một số vấn đề khác. Tại tòa, công tố viên trưng ra các bức email trao đổi giữa ông Heywood và Bạc Qua Qua, cho thấy mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa 2 bên. Dựa trên bằng chứng này, bà Cốc tin rằng ông Heywood đang đe dọa sự an toàn của con trai bà và thế là bà quyết định hạ sát Heywood.
Tân Hoa xã dẫn lời bà Cốc nói với các điều tra viên: “Đối với tôi, cái đó hơn cả 1 mối đe dọa. Đó là hành động thực sự đang diễn ra. Tôi phải chiến đấu đến cùng để ngăn chặn sự điên rồ của Neil Heywood.”
Hai nhà ngoại giao Anh tham dự phiên xét xử Cốc Khai Lai (ảnh: CCTV) |
Còn truyền thông phương Tây thì từ trước đó cho rằng bà Cốc đã sát hại Heywood do ông này nắm được nhiều bí mật về các giao dịch không minh bạch của bà và dọa sẽ tiết lộ các thông tin đó.
Lật lại vụ án
Theo chứng cớ và hồ sơ ban đầu, lý do Neil Heywood chết là do uống quá nhiều rượu. Tuy nhiên, Bộ Công an đã tiến hành điều tra lại vụ án “theo luật pháp Trung Quốc” và phát hiện Heywood chết vì bị sát hại.
Cơ quan công tố tại phiên tòa cho biết, sau khi người ta phát hiện vào sáng 15/11/2011 Neil Heywood đã chết, ông Vương Lập Quân, khi ấy là Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh kiêm phó thị trưởng thành phố này, đã chỉ định Quách Duy Quốc, Phó Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh, xử lý vụ án. Ông Quách Duy Quốc, theo Tân Hoa xã, có quan hệ gần gũi với gia đình Cốc Khai Lai.
Bài báo của Tân Hoa xã khẳng định ông Quách đã lập nhóm điều tra hiện trường vụ việc và lập hồ sơ vụ án. Nhóm này, ngoài ông Quách, có thêm Lý Dương, đội trưởng đội hình sự công an thành phố, Vương Bằng Phi, đội trưởng đội kỹ thuật nghiệp vụ kiêm trưởng Công an quận Du Bắc, và Vương Trí, Phó Trưởng Công an quận Sa Bình Bá.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, nhóm của Quách nhận diện Cốc Khai Lai là nghi phạm số 1 cho vụ án mạng. Tuy nhiên, theo Tân Hoa xã, họ đã ngụy tạo các đoạn ghi âm, che giấu vật chứng, và dùng thêm một số thủ thuật khác để tạo bằng chứng ngoại phạm cho bà Cốc.
Quách và nhóm của mình đã thông đồng với nhau để kết luận cái chết của Heywood là do đột quỵ sau khi uống quá nhiều rượu (dù rằng Heywood vốn không nghiện rượu) và không lập hồ sơ án hình sự cho vụ việc. Bọn họ sau đó thuyết phục gia đình Heywood chấp nhận kết luận trên rồi cho hỏa táng xác của Heywood mà không hề tiến hành khám nghiệm tử thi.
Nhóm 4 quan chức cảnh sát này bị điều tra riêng và xét xử riêng.
Vẫn theo Tân Hoa xã, chỉ đến khi Vương Lập Quân trốn vào Tổng Lãnh sự Mỹ ở Thành Đô, Bộ Công an mới bắt đầu chú ý đến thông tin của ông Vương cho rằng bà Cốc là nghi can chính trong vụ giết người.
Khi đó, Bộ Công an Trung Quốc đã lập ban chuyên án mới và đưa Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân vào tầm ngắm, kể từ ngày 15/3/2012. Việc điều tra, khởi tố và xét xử được giao tương ứng cho Cơ quan công an, Viện kiểm sát nhân dân, và Tòa án nhân dân thành phố Hợp Phì (cách rất xa Trùng Khánh) nhằm bảo đảm sự khách quan.
Theo thông tin chính thức mà Tân Hoa xã đưa ra, cơ quan điều tra của Trung Quốc đã làm việc rất tích cực, nghiêm túc và tỉ mỉ để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật. Cụ thể, họ đã tiến hành 394 cuộc thẩm vấn nhân chứng và người liên quan đến vụ án và lập được 16 tập tài liệu bằng chứng dày tổng cộng 1.468 trang.
Liệu bà Cốc có bị tử hình?
Cơ quan công tố đã ủy quyền cho Trung tâm Sức khỏe Thần kinh Thượng Hải giám định tình trạng thần kinh của Cốc Khai Lai tại thời điểm Heywood chết. Tân Hoa xã cho hay, sau khi nghiên cứu y bạ và biên bản thẩm vấn bà Cốc, nhóm chuyên gia kết luận bà được điều trị chứng mất ngủ kinh niên, lo lắng, trầm cảm và cả hoang tưởng, và từng dùng nhiều loại thuốc an thần và chống trầm cảm nhưng bệnh tình không thuyên giảm nhiều và bà lệ thuộc vào các thuốc đó, khiến bà bị rối loạn thần kinh.
Theo các chuyên gia pháp lý, với việc khai rằng ông Heywood đe dọa bà cũng như con bà, Cốc Khai Lai đã có thêm một tình tiết giảm nhẹ quan trọng (còn Heywood sẽ được xem có một phần trách nhiệm trong cái chết của chính mình). Thêm nữa, bà lại là con gái của tướng Cốc Cảnh Sinh, một công thần của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong khi mẹ bà cũng là một cán bộ lão thành cách mạng.
Bà Cốc và doanh nhân Heywood từng một thời có quan hệ thân thiết (ảnh: Reuters) |
Tờ Telegraph của Anh dẫn dự đoán của một số chuyên gia pháp lý cho rằng bà Cốc ít khả năng phải đối diện với hình phạt tiêm thuốc độc. Theo các chuyên gia này, bà cùng lắm sẽ nhận mức án 15 năm tù, và nếu “cải tạo tốt” sẽ được ra tù sau 10 năm.
Nghi vấn vẫn còn
Dù mọi chuyện đều đã đâu vào đấy theo như những gì Tân Hoa xã phản ánh, nhưng đối với giới quan sát, vẫn còn nhiều điều băn khoăn về phiên xử.
Bài báo của Tân Hoa xã có nói việc Heywood đe dọa Bạc Qua Qua trong các email giữa 2 người. Tuy nhiên bài báo không nói rõ các đe dọa đó cụ thể như thế nào, mà chỉ đề cập chung chung rằng các email cho thấy mối quan hệ căng thẳng gia tăng giữa 2 bên. Theo tờ Telegraph, một bức email được trưng ra trong phiên xử hôm 9/8 có vẻ chứa nội dung về lời đe dọa “hủy diệt” Bạc Qua Qua. Nhưng cũng chỉ có vậy – bức email chỉ được giới thiệu trong phòng xử án được canh giữ nghiêm ngặt.
Cũng theo Telegraph, phiên xử án không mở cửa đối với bất cứ phóng viên nước ngoài nào. Thành phần tham dự hạn chế, gồm một số đại diện của công chúng, các nhà ngoại giao Anh, và người thân và bạn bè của 2 bị cáo và gia đình nạn nhân Heywood.
Tờ Independent của Anh cũng đặt nghi vấn rằng các đe dọa có từ năm 2005 (khi Bạc Qua Qua đang học ở Anh, còn Heywood thì đang ở Trung Quốc cùng vợ và con cái) nhưng án mạng phải đến 6 năm sau mới xảy ra (khi Bạc Qua Qua đang học ở Mỹ).
Vả lại, theo nhiều nguồn tin, Neil Heywood từng dạy kèm tiếng Anh cho Bạc Qua Qua. Bản tính của Heywood lại nho nhã, nhẹ nhàng. Đã sống một thời gian dài ở Trung Quốc, Heywood cũng thừa biết quyền uy của gia tộc Bạc Hy Lai. Do đó, theo Telegraph, sẽ là kỳ lạ nếu ông đưa ra những lời đe dọa đối với con trai của Bạc Hy Lai, chứ chưa nói đến việc ‘hủy diệt’ Bạc Qua Qua.
Bạn bè, người thân của doanh nhân Heywood cho biết ông hiếm khi uống rượu. Và như vậy sẽ khó hình dung việc ông này, trong 1 cuộc gặp bàn chuyện làm ăn với bà Cốc, lại nốc nhiều rượu đến mức say bí tỉ, nôn thốc nôn tháo, ngã vật trong nhà tắm như lời khai của Cốc Khai Lai.
Có 1 chi tiết liên quan đến việc khám nghiệm tử thi Heywood. Bài báo của Tân Hoa xã có nêu rằng sau khi cơ quan công an tiến hành điều tra lại, đã phát hiện ra việc nhóm 4 quan chức cảnh sát bao che cho bà Cốc đã giục gia đình Heywood cho thiêu xác vị doanh nhân mà không hề thực hiện việc khám nghiệm tử thi. Nhưng theo nguồn tin của Telegraph, 1 trong 4 vị cảnh sát trên, Vương Bằng Phi, được cho là đã bí mật giữ lại 1 mẩu tim của Heywood làm bằng chứng sau này. Ông này đã bí mật gửi mẫu máu của Heywood cho 1 “quan chức quan trọng” và mẫu máu đó được giữ trong tủ lạnh tại tư gia của vị quan chức này. Vương Bằng Phi cũng đã viết di chúc đề phòng trường hợp xấu nhất xảy đến với mình.
Điểm thắc mắc cuối cùng là về khả năng có 1 bên thứ 3 bí ẩn đã ra tay kết liễu đời ông Heywood sau khi Cốc Khai Lai và trợ lý Trương Hiểu Quân rời khỏi khách sạn. Một nhân chứng tham dự phiên tòa nói với Telegraph rằng luật sư của bà Cốc tuyên bố về khả năng như vậy.
Vẫn theo nguồn tin trên, khi cảnh sát tới hiện trường án mạng, họ phát hiện thi thể Heywood ở tư thế khác với tư thế mà bà Cốc và Trương đã đặt Heywood lại khi rời khách sạn. Ngoài ra khi đó, cửa sổ căn phòng cũng bị mở, cho thấy có thể ai đó đã đột nhập vào căn phòng qua đường này./.