Vụ bắt giữ sếp Huawei: Căng thẳng Trung Quốc-Canada tiếp tục gia tăng
VOV.VN - Trung Quốc đã có hành động đáp trả “ngoại giao” cứng rắn đối với việc bắt giữ công dân của mình từ phía Canada.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/12 xác nhận đã tạm giữ 2 công dân Canada, để thẩm vấn do nghi ngờ họ là mối “đe dọa an ninh quốc gia” của nước này, đồng thời tái yêu cầu Canađa thả lập tức Phó Chủ tịch Huawei, bà Mạnh Vãn Chu. Bất chấp việc Trung Quốc phủ nhận các vụ việc là riêng rẽ, song giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh đã có hành động đáp trả “ngoại giao” cứng rắn đối với việc bắt giữ công dân của mình từ phía Ottawa.
Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Asia Times
Trong buổi họp báo ngày 13/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng xác nhận, hai công dân Canađa, gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor - Giám đốc tổ chức xã hội phi lợi nhuận Trao đổi văn hóa Paektu – PCE, đang bị nước này tạm giam. Cả hai công dân Canađa này đều bị tình nghi tham gia vào những hoạt động làm phương hại tới an ninh quốc gia Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, sẽ đảm bảo quyền hợp pháp, lợi ích của hai đối tượng bị bắt giữ và sẽ xét xử họ theo đúng pháp luật. Người phát ngôn Lục Khảng cũng đã bác bỏ thông tin cho rằng, một số người Canada có thể sẽ bị phía Trung Quốc tiếp tục bắt giữ khi mà chính quyền Canada chưa thả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu.
“Miễn là người Canada tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc, họ thực sự không có gì phải lo lắng cả. Đất nước Trung Quốc an toàn hay không, mọi người có thể nghiên cứu tại các báo cáo thống kê. Người Canađa cũng sẽ có những đánh giá về vấn đề này. Ngược lại, nhiều người Trung Quốc cũng đang tự hỏi, họ có an toàn khi đi du lịch tới Canađa sau khi bà Mạnh Vãn Chu cũng bị chính quyền nước này bắt giữ theo yêu cầu của phía Mỹ?”, ông Lục Khảng nói.
Căng thẳng leo thang sau Huawei: Trung Quốc bắt cựu nhân viên ngoại giao Canada
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, số lượng người Canada tới nước này, từ đầu năm nay tới tháng 11 vừa qua, là 780.000 người. Điều này cho thấy tỷ lệ, cứ 1.000 người Canada thì có tới 21 người tới thăm Trung Quốc; và con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ người Trung Quốc tới Canada. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, thực tế này phần nào cho thấy Trung Quốc là an toàn hơn Canada.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Canada đã lên tiếng xác nhận vụ việc, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục đối thoại về các vụ bắt giữ với phía Bắc Kinh.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada Guillaume Bérubé cho biết, chưa thể liên lạc với ông Michael Spavor, sau khi ông này thông báo đã bị Trung Quốc thẩm vấn. Bạn bè của doanh nhân này cho biết, ông có chuyến bay rời khỏi thành phố Đan Đông Trung Quốc, để đến Hàn Quốc, nhưng không xuất hiện tại sân bay hôm 10.12, đúng ngày ông Michael Kovrig bị bắt.
Theo hãng tin Reuters, cả hai công dân Canada này có quen biết nhau. Với vai trò là chuyên gia về Đông Bắc Á tại Viện Nghiên cứu chính sách ICG (trụ sở ở Bỉ), ông Kovrig chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Quốc với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, trong khi doanh nhân Michael Spavor lại chuyên xúc tiến đầu tư, du lịch và giao lưu văn hóa, thể thao với phía Triều Tiên.
Những vụ bắt giữ công dân Canađa của Trung Quốc tiếp tục nối dài căng thẳng giữa Canada và Bắc Kinh, sau khi Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng triệu tập Đại sứ Canada tại Bắc Kinh lên phản đối mạnh mẽ vụ việc, đồng thời cảnh báo Canada sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu bà Mạnh Vãn Chu không được thả tự do./.
Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu: Trung Quốc liệu có “ăn miếng trả miếng“?