Vụ Huawei: Mỹ sẽ không kéo dài “đình chiến thương mại” với Trung Quốc
VOV.VN - Đại diện thương mại Mỹ khẳng định nước ông không có ý định gia hạn thỏa thuận “đình chiến thương mại” 90 ngày với Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ mới đây bác bỏ những bình luận cho rằng vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Công nghệ Huawei - bà Mạnh Vãn Chu có thể gây tác động xấu tới các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Bất chấp thỏa thuận “đình chiến thương mại” đạt được hồi tuần trước, quan hệ giữa hai nước bất ngờ căng thẳng trở lại những ngày qua do vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu và hôm qua (9/12) đã leo lên một nấc thang mới sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối.
Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer. Ảnh: US News & World Report.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CBS, khi được hỏi về tác động của vụ việc đối với các cuộc đàm phán thương mại, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm qua (9/12) nhấn mạnh, vụ việc thực sự không gây tác động. Bởi theo ông, đây là một vụ án hình sự, hoàn toàn tách biệt với công việc của ông, cũng như của những người đang làm việc về chính sách thương mại.
Tuy nhiên, mặt khác, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ cũng tỏ ra khá cứng rắn khi tuyên bố, nước này không có ý định gia hạn thỏa thuận “đình chiến thương mại” 90 ngày đạt được hồi tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo ông, đây là một thời hạn và trong các cuộc thảo luận, ông và Tổng thống Donald Trump cũng không đề cập tới việc đi xa hơn thời hạn này và nếu có, một thỏa thuận phải đạt được trong khoảng thời gian 90 ngày này. Theo ông, thời điểm mà Mỹ chỉ hài lòng với những lời hứa mà không cần đi kèm với những hành động cụ thể như trong suốt 25 năm qua đã không còn nữa. Mỹ đang chờ đợi những bước tiến “hữu hình”.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (9/12) đã triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstad tại nước này nhằm phản đối vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn viễn thông Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, đồng thời yêu cầu Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ.
Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, 46 tuổi, diễn ra hôm 1/12 vừa qua theo yêu cầu của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phía Trung Quốc. Tòa án Canada dự kiến hôm nay sẽ ra phán quyết cuối cùng liệu sẽ thả tự do hay tạm giam cho vị nữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei này. Phía Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu đã có các hành vi gian lận nhằm tránh né các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran.
Giám đốc tài chính Huawei tìm cách tại ngoại vì lý do sức khỏe
Trong một thông cáo phát đi ngay sau cuộc thảo luận giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành và Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, nước này phản đối mạnh mẽ vụ bắt giữ này và hối thúc Mỹ tôn trọng lập trường chính đáng của Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành đồng thời nhấn mạnh, Mỹ đã vi phạm các quyền hợp pháp, cũng như lợi ích của công dân Trung Quốc và bản chất của sự vi phạm này là cực kỳ nghiêm trọng. Đây cũng là lập trường được Chính phủ Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh trong những ngày qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các báo cáo. Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc thị trường và quy tắc quốc tế trong khi tiến hành đầu tư ở nước ngoài theo luật pháp địa phương. Cả Canada và Mỹ đều không cung cấp cho Trung Quốc bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bà Mạnh Vãn Chu đã vi phạm bất kỳ quy định luật pháp nào ở hai quốc gia đó. Trung Quốc luôn bảo vệ các quyền hợp pháp của người nước ngoài ở Trung Quốc theo luật pháp và tất nhiên ở Trung Quốc, họ cũng nên tôn trọng luật pháp và quy tắc của Trung Quốc.”
Như một bước đi nhằm làm dịu căng thẳng, Cố vấn kinh tế Nhà trắng Larry Kudlow lại tỏ ra khá thận trọng khi khẳng định, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không được thông báo về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu vào thời điểm ông có cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/12 vừa qua tại Argentina.
Theo các nhà phân tích, phản ứng của chính phủ Mỹ những ngày qua liên quan tới vụ bà Mạnh Vãn Chu cho thấy nước này dường như đang dự tính sẽ áp dụng nguyên tắc thận trọng nổi tiếng của cựu Tổng thống Ronald Reagan trong các cuộc đàm phán về giải giáp hạt nhân với Liên bang Xô viết trước đây hay còn gọi là nguyên tắc “Tin tưởng nhưng có sự kiểm chứng”.
Dù hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc đều phủ nhận những tác động vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đối với quan hệ thương mại giữa hai nước, song rõ ràng vụ việc dường như lại đang trở thành một “quân bài mặc cả” trên bàn đàm phán Mỹ-Trung./.
Tương lai thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ đi về đâu?