Vũ khí hóa học là cớ can thiệp quân sự vào Syria?
(VOV) - 10 năm trước, đây là chiêu thức để Mỹ can thiệp vào Iraq và lật đổ thành công chính quyền Saddam Hussein.
Cuộc khủng hoảng kéo dài 2 năm qua tại Syria có nguy cơ chuyển sang một giai đoạn mới mang tính bước ngoặt sau những thông tin về việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và phe đối lập.
Dư luận lo ngại sẽ xảy ra can thiệp quân sự vào Syria, bởi vũ khí hóa học từng là cái cớ để Mỹ phát động cuộc chiến tranh Irắc cách đây 10 năm.
Chính phủ Syria đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của các nhóm khủng bố gần thành phố Aleppo, miền Bắc nước này.
Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Basa Giaaphari cho biết, trong bức thư gửi Liên Hợp Quốc hồi tháng 12/2012, chính phủ Syria đã cảnh báo về mối đe dọa này, cho rằng quân nổi dậy có thể sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột với quân đội chính phủ.
Phe nào sử dụng vũ khí hóa học?
Trong khi đó, dư luận thế giới tiếp tục có những phản ứng khác nhau liên quan đến việc phe nào ở Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Tại cuộc họp kín ngày hôm qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga tiếp tục khẳng định quân đội chính phủ không sử dụng vũ khí hóa học.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho biết: “Vài tháng qua, cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga đã tỏ ra lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Chúng tôi đã thảo luận với chính phủ Syria và một số nước khác về vấn đề này. Chúng tôi thúc giục chính phủ Syria tôn trọng luật pháp quốc tế và đã nhận được bảo đảm rằng chính phủ nước này sẽ không có ý định sử dụng vũ khí hóa học”.
Đại sứ Nga cho rằng, theo thông tin mà phía Nga nhận được, các nhóm vũ trang đối lập có thể sử dụng vũ khí hóa học nhằm thay đổi cục diện hiện nay trên chiến trường.
Trong khi đó, Phó đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Philip Parham và Đại sứ Pháp Gerad Araud yêu cầu Liên Hợp Quốc mở một cuộc điều tra về các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria và hiện chưa có bằng chứng về việc quân nổi dậy sử dụng loại vũ khí chết người này.
Ông Philip Parham cho biết: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại đặc biệt về báo cáo liên quan đến tình trạng sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Liên minh Quốc gia Syria đối lập cho biết đã xảy ra 2 trường hợp sử dụng vũ khí hóa học, tại Damascus và Aleppo. Chính phủ Syria cũng có tuyên bố cáo buộc phe đối lập sử dụng vũ khí hóa học. Nếu điều này được chứng thực thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên sự thực vẫn chưa rõ ràng và chúng tôi bày tỏ lo ngại này lên Hội đồng Bảo an”.
Phát biểu trong chuyến thăm Ixraen ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên tiếng cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là “giới hạn đỏ” sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo một số nguồn tin không chính thức, hiện Syria đang sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất Trung Đông và thứ 3 thế giới. Toàn bộ số vũ khí này có từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Các nhà quan sát cho rằng, vũ khí hóa học có thể trở thành cái cớ để Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự vào nước này. Trong cuộc xâm lược Iraq, Mỹ cũng đã từng lấy cớ Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công nước này, song thực tế Mỹ không tìm ra bằng chứng nào về điều này. Vì vậy, vũ khí hóa học rất có thể lại là lý do thích hợp để Mỹ và các đồng minh can thiệp vào Syria với danh nghĩa nhân đạo, bảo vệ dân thường./.