“Vụ mất tích máy bay Malaysia chưa bao giờ có tiền lệ”
VOV.VN - Đây là phát biểu của Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman ngày 10/3.
Ông Rahman cho biết dù đã sang ngày thứ 3 của cuộc tìm kiếm khi mà lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã quần đảo khắp một khu vực rộng lớn trên không và trên biển họ vẫn chưa tìm ra bất kỳ dấu vết được xác minh nào của chiếc máy bay cũng như 239 hành khách trên máy bay cả.
Ông cũng không loại trừ khả năng máy bay đã bị cướp khi các nhà điều tra đang xem xét mọi giả thuyết về vụ máy bay của Malaysia Airlines bị mất tích.
Chưa tìm được dấu vết của máy bay
“Rất tiếc, cho đến giờ chúng tôi vẫn không tìm thấy thứ gì có vẻ như là mảnh vụn của chiếc máy bay chứ chưa nói gì để cả chiếc máy bay”, ông Rahman tuyên bố tại một cuộc họp báo.
“Hiện nay, chúng tôi đang quan tâm đến việc phải tìm ra chiếc máy bay này dù chỉ là một mẩu nhỏ của nó, nếu có thể”, ông Rahman khẳng định.
Ông Rahman phát biểu tại họp báo |
Trong khi đó, hành chục tàu thuỷ và máy bay của 7 nước đã tìm kiếm khắp vùng biển Malaysia và phía Nam của Việt Nam. Việc mất an ninh trên máy bay, máy bay bị cài bom hoặc bị đánh cắp cho đến giờ vẫn được coi là nhiều khả năng xảy ra nhất.
Hiểu rõ những khó khăn khi xác định số phận của chiếc máy bay bị mất tích mà không có thông tin cụ thể, một chiếc máy bay P-3 của Hải quân Mỹ có khả năng tìm kiếm trên một khu vực rộng khoảng 3.900 km2 trong vòng 1 giờ đã liên tục tìm kiếm tại phía Bắc của eo biển Malacca nơi chiếc máy bay bị mất liên lạc lần cuối cùng.
“Máy bay của chúng tôi có thể phát hiện ra những mẩu vụn trên mặt nước, nhưng hiện nay tất cả những gì chúng tôi thu thập được chỉ là rác rưởi và các mẩu gỗ”, người phát ngôn Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ William Marks cho biết.
Ngoài ra, Mỹ còn cẩn thận xem xét từng hình ảnh từ vệ tinh quan sát của mình để tìm ra những bằng chứng về việc máy bay có thể nổ trên không, tuy nhiên, họ cũng không tìm ra một bằng chứng gì.
Vụ hộ chiếu giả không liên quan đến máy bay mất tích?
Ngày 10/3, cảnh sát Quốc tế (Interpol) đã xác nhận có 2 hành khách trà trộn lên máy bay sử dụng hộ chiếu giả.
Interpol vẫn đang kiểm tra xem liệu có những người khác lên máy bay sử dụng hộ chiếu giả hay không.
Trong bối cảnh Interpol cảnh báo rằng việc hành khách sử dụng hộ chiếu giả lên máy bay có thể liên quan đến việc chiếc máy bay bị mất tích, một quan chức ngoại giao châu Âu tại Kuala Lumpur đã thận trọng lên tiếng rằng thủ đô của Malaysia là một cửa ngõ cho những kẻ nhập cư trái phép vào châu Á và rất nhiều kẻ trong số chúng sử dụng hộ chiếu giả và sử dụng các tuyến bay phức tạp qua Bắc Kinh hoặc Tây Phi để vào châu Âu.
“Các bạn không nên mặc nhiên nghĩ rằng việc hai người lên máy bay sử dụng hộ chiếu giả có liên quan gì đến vụ máy bay mất tích. Các bạn càng hiểu về vai trò của Kuala Lumpur trong tuyến đường để nhập cư trái phép vào châu Âu thì các bạn càng nghi ngờ về mối liên quan trên”, quan chức này cho biết./.