Vụ MH17 bị bắn rơi: Nga và Ukraine tiếp tục tranh cãi nảy lửa

VOV.VN - Nga chỉ rõ tên lửa bắn hạ MH17 thuộc về lực lượng quân đội Ukraine còn Ukraine cho rằng Nga đang cố gắng che giấu“sự thật”.

Hôm qua (17/9), Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những dữ liệu mới nhất mà nước này thu thập được về vụ bắn hạ máy bay chở khách MH17 của hãng hàng không Malaysia hồi năm 2014, theo đó Moscow chỉ rõ tên lửa bắn hạ MH17 thuộc về lực lượng quân đội Ukraine. Ngay lập tức, phía Ukraine đã đưa ra phản ứng cho rằng Nga đang cố gắng che giấu “sự thật”.

Một phần của xác máy bay MH17 bị bắn rơi năm 2014. Ảnh: Reuters.

Phát biểu với báo giới, chỉ huy lực lượng tên lửa của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Nikolai Parshin cho biết, trên mảnh tên lửa mà Nhóm điều tra chung về MH17 đưa ra có số của động cơ tên lửa, qua đó có thể xác định được số hiệu của tên lửa là  886847379.

Quả tên lửa này được chế tạo tại thành phố Dolgoprudnui năm 1986, sau đó được biên chế cho đơn vị quân đội trên lãnh thổ Ukraine và từ đó không quay trở về nước Nga nữa. Tướng Nikolai Parshin còn cho biết chính xác quả tên lửa được lắp ráp vào 24/12/1986.

Cùng với việc công bố xuất xứ chi tiết nguồn gốc quả tên lửa bắn hạ MH17,  Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (17/9) công bố nội dung băng ghi âm trao đổi qua điện thoại giữa giới chỉ huy quân sự Ukraine, cho thấy quốc gia này có liên quan đến vụ bắn rơi chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17.

Tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nga, các nhà báo đã được nghe các đoạn trích từ băng ghi âm trao đổi qua điện thoại hồi năm 2016. Theo đó, trên địa phận tỉnh Odessa của Ukraine, khi lắp đặt trạm định vị vô tuyến “Malakhit” để chuẩn bị cho cuộc tập trận “Rubezh-2016” đã diễn ra đoạn hội thoại về khả năng trạm định vị trên của Ukraine không hoạt động trong khi Ukraine đóng cửa bầu trời. Đoạn thoại có câu kết thúc là: “Các cậu này, nếu cứ như vậy chúng ta sẽ có thêm một Boeing Malaysia nữa đó”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, một số câu thoại không được công bố vì ngôn ngữ thiếu lịch sự và qua phân tích cho thấy một trong hai người đối thoại là trung tá Ukraine Ruslan Grinchak. Hiện ông Grinchak đang giữ chức Phó chỉ huy trưởng lực lượng không quân “Zapad” của Quân đội Ukraine. Hồi năm 2014, ông là lữ đoàn trưởng Lữ đoàn kỹ thuật vô tuyến số 164 của Lực lượng phòng không Ukraine. 

Hiện tất cả các dữ liệu mà Nga thu thập được về vụ tai nạn máy bay MH17 đã được chuyển cho các nhà điều tra quốc tế tại Hà Lan, để các nhà điều tra xem xét lại báo cáo tạm thời hồi tháng 5 vừa qua, rằng tên lửa Nga đã bắn hạ chiếc máy bay chở gần 300 hành khách này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết:“Chúng tôi hy vọng Nhóm điều tra chung sẽ xem xét các bằng chứng mà chúng tôi đã cung cấp ngày hôm nay và sẽ không nghi ngờ tính xác thực của nó, bởi vì cuộc điều tra dựa trên video trên internet là một điều, và dựa trên các tài liệu cụ thể - như bạn có thể thấy được ngày hôm nay - lại là một điều khác".

Trước các công bố mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga về vụ việc, phía Ukraine đã có phản ứng ngay lập tức, bác bỏ hoàn toàn những dữ liệu mà Nga cung cấp, đồng thời cho rằng, Moscow đang che giấu thủ phạm thực sự phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này.

Trong một tuyên bố, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksandr Turchinov nhấn mạnh: “Bộ Quốc phòng Nga lại vừa tạo ra một báo cáo giả mạo khác liên quan đến cái gọi là sự tham gia của Ukraine trong thảm kịch xảy ra với chiếc Boeing của hãng hàng không Malaysia. Theo tôi nhớ, đây là phiên bản thứ 9 hoặc thứ 10 mà quân đội Nga, các chính trị gia Nga, đã cố gắng đưa ra để đánh lạc hướng cộng đồng toàn cầu". 

Không chỉ tranh cãi, đổ lỗi cho nhau về vụ bắn hạ MH17, ngày hôm qua (17/9), Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký ban hành sắc lệnh về ngừng hiệu lực của Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác với Liên bang Nga. 

Dự kiến, nhiều thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraine trước đây sẽ dần được Kiev xem xét trong thời gian tới. Phản ứng trước quyết định này, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ lấy làm tiếc về vụ việc, đồng thời khẳng định Moscow sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với “các chính trị gia Ukraine có trách nhiệm hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga tiết lộ thông tin “gây chấn động” về máy bay MH17
Nga tiết lộ thông tin “gây chấn động” về máy bay MH17

VOV.VN - Tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nga, các nhà báo đã được nghe các đoạn trích từ băng ghi âm trao đổi qua điện thoại hồi năm 2016.

Nga tiết lộ thông tin “gây chấn động” về máy bay MH17

Nga tiết lộ thông tin “gây chấn động” về máy bay MH17

VOV.VN - Tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nga, các nhà báo đã được nghe các đoạn trích từ băng ghi âm trao đổi qua điện thoại hồi năm 2016.

4 năm sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, Australia vẫn không bỏ cuộc
4 năm sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, Australia vẫn không bỏ cuộc

VOV.VN - Australia dự định kêu gọi sự ủng hộ của Anh và Malaysia trong việc gây sức ép buộc Nga phải nhận trách nhiệm đối với vụ việc.

4 năm sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, Australia vẫn không bỏ cuộc

4 năm sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, Australia vẫn không bỏ cuộc

VOV.VN - Australia dự định kêu gọi sự ủng hộ của Anh và Malaysia trong việc gây sức ép buộc Nga phải nhận trách nhiệm đối với vụ việc.

G7: Nga phải có trách nhiệm làm rõ thảm kịch MH17
G7: Nga phải có trách nhiệm làm rõ thảm kịch MH17

VOV.VN - G7 cho rằng, Nga phải có trách nhiệm làm rõ thảm kịch máy bay MH17 rơi tại miền đông Ukraine cách đây 4 năm.

G7: Nga phải có trách nhiệm làm rõ thảm kịch MH17

G7: Nga phải có trách nhiệm làm rõ thảm kịch MH17

VOV.VN - G7 cho rằng, Nga phải có trách nhiệm làm rõ thảm kịch máy bay MH17 rơi tại miền đông Ukraine cách đây 4 năm.