WHO họp trực tuyến, không né tránh những vấn đề “gai góc” về Covid-19
VOV.VN - Cuộc họp Đại hội đồng của WHO trong 2 ngày 18 và 19/5 sẽ không né tránh những vấn đề “gai góc” giữa lúc Mỹ-Trung gia tăng đối đầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày hôm nay (18/5) sẽ tiến hành cuộc họp đại hội đồng trực tuyến đầu tiên giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang có thể đe dọa đến những hành động mạnh mẽ cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), được cắt ngắn từ 3 tuần xuống chỉ còn 2 ngày là 18 và 19/5, gần như sẽ tập trung hoàn toàn vào Covid-19, dịch bệnh chỉ trong vài tháng qua đã khiến hơn 4,8 triệu người mắc và hơn 316.000 người tử vong.
Các nguyên thủ quốc gia, Bộ trưởng Y tế và các quan chức cấp cao sẽ tham dự cuộc họp này, dự kiến sẽ bắt đầu vào trưa 18/5.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định hôm 15/5 rằng “sự kiện này là một trong những cuộc họp đại hội đồng quan trọng nhất từ khi chúng tôi thành lập năm 1948".
Tuy nhiên, cơ hội đạt được một thỏa thuận về các biện pháp toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này có thể bị đe dọa bởi mối quan hệ căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong đại dịch là Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, nơi các ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm ngoái, đồng thời đưa ra những cáo buộc rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.
Tổng thống Trump đã dừng tài trợ cho WHO với cáo buộc tổ chức này ban đầu đã hạ thấp mức độ quan trọng của dịch bệnh và thiên vị Trung Quốc.
Bất chấp căng thẳng, các quốc gia hy vọng sẽ nhất trí được một nghị quyết nhằm thúc đẩy sự phản ứng chung trước đại dịch.
Dự thảo nghị quyết được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra thảo luận này kêu gọi "một sự đánh giá toàn diện, độc lập và công bằng" về sự phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với dịch Covid-19.
Một nguồn tin từ EU đã gọi dự thảo này là "tham vọng" và nhận định, nếu thực sự được thông qua như mong đợi, dự thảo này sẽ đánh dấu lần đầu tiên diễn đàn toàn cầu đạt được sự nhất trí trước một văn bản về sự phản ứng với Covid-19.
Nguồn tin này cho biết, các quốc gia sẽ không né tránh các chủ đề "gai góc", trong đó có việc kêu gọi một cuộc cải tổ WHO mạnh mẽ hơn sau khi cho rằng tổ chức này đã cho thấy "sự thiếu khả năng trong việc ngăn cản cuộc khủng hoảng ở mức độ hiện nay".
Nghị quyết trên cũng kêu gọi WHO hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quốc tế và các quốc gia để xác định nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và cách thức lần đầu tiên virus này lây nhiễm sang con người./.