Wikileaks: Cuộc đối đầu Mỹ Latin - phương Tây

Thực tế, quan hệ giữa Mỹ Latin và phương Tây chưa bao giờ được đánh giá là thuận buồm xuôi gió.

Hai năm kể từ sau vụ tiết lộ 250.000 điện tín ngoại giao khiến chính quyền Mỹ đứng ngồi không yên, giờ đây ông chủ Wikileaks Julian Assange lại trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi là nguyên nhân của một cuộc đụng độ ngoại giao không chỉ giữa các nước liên quan: Anh, Ecuador hay Mỹ…

Ông chủ trang mạng WikiLeaks Julian Assange xuất hiện trên ban công Đại sứ quán Ecuador tại London (Ảnh: Reuters)

Trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi căng thẳng bùng phát đầu tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/8 bác bỏ những chỉ trích của ông chủ trang mạng Wikileaks Julian Assange cho rằng, Mỹ đang mở “một chiến dịch săn lùng” ông.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, Mỹ không liên quan gì đến những nỗ lực bắt giữ Assange của Anh để trao cho Thụy Điển, nơi ông này bị buộc tội xâm hại tình dục.

Bà Victoria Nuland nói: “Julian Assange đã nói nhiều về Mỹ, trong khi trên thực tế, vấn đề của ông ấy liên quan với phía Anh xung quanh những cáo buộc xâm hại tình dục, chứ không liên quan gì đến Wikileaks. Rõ ràng ông ta đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận. Vấn đề không hề liên quan tới Mỹ mà là Anh, Thụy Điển và bây giờ là cả Ecuador”.

Trước đó, tối 19/8, ông Julian Assange đã lần đầu tiên xuất hiện công khai trước truyền thông quốc tế tại ban công của Đại sứ quán Ecuador ở London, nơi ông tạm thời cư trú trong hai tháng qua.

Phát biểu tại đây, ông Julian Assange kêu gọi Mỹ chấm dứt những gì mà nhà sáng lập Wikileaks gọi là "cuộc săn đuổi" đối với ông cũng như trang mạng của mình.

Trên thực tế, ông chủ Wikileaks lo ngại một khi bị dẫn độ sang Thụy Điển thì ông có khả năng sẽ bị đưa sang Mỹ. Tại đây, ông có thể phải đối mặt với những cáo buộc như gián điệp và có nguy cơ lãnh án tử hình. Đây cũng là điều mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Nuland lảng tránh không đề cập tới trong phát biểu hôm 20/8.

Tới nay, Anh và Mỹ đều từ chối bảo đảm tính mạng cho nhà sáng lập Wikileaks, trong khi Thụy Điển không chấp nhận dẫn độ nhân vật này sang một nước thứ ba. Đây là những lý do khiến Ecuador đi đến quyết định cho phép ông Assange tị nạn.

Rõ ràng, việc Ecuador “qua mặt” những cường quốc phương Tây như Mỹ, Anh để cấp quy chế tị nạn chính trị cho Julian Assange, đã khiến quan hệ của nước này với Anh thêm căng thẳng. Không dừng lại ở quan hệ song phương, sự ủng hộ của các tổ chức khu vực đối với Ecuador thậm chí còn đang làm cho vụ việc trở thành cuộc chiến ngoại giao giữa các nước Mỹ Latin và phương Tây.

Thực tế, quan hệ giữa Mỹ Latin và phương Tây chưa bao giờ được đánh giá là thuận buồm xuôi gió. Gần đây nhất là vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Argentina và Anh. Các nước Mỹ Latin đã hình thành một mặt trận chống Anh và đưa vấn đề ra trước Liên Hợp Quốc. Trong bối cảnh này, vụ việc mới liên quan tới ông chủ Wikileaks không phải là quá mới mẻ trong bức tranh tổng quát về quan hệ giữa Mỹ Latin với phương Tây, nhưng lại nới rộng thêm khoảng cách giữa hai bên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên