WSJ: Patriot của Mỹ "hụt hơi" trước tên lửa Nga, phương Tây loay hoay tìm lối thoát
VOV.VN - Theo báo cáo của The Wall Street Journal công bố mới đây, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đang ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu trên chiến trường.
Trích lời các quan chức ẩn danh, tờ báo cho biết Patriot đang chật vật đối phó với các loại tên lửa đạn đạo mới của Nga, vốn có khả năng cơ động cao và được thiết kế để né tránh hệ thống radar tiên tiến của Mỹ.
Một quan chức quốc phòng Ukraine tiết lộ rằng những vũ khí tấn công của Nga đã được nâng cấp để dễ dàng qua mặt các cảm biến của Patriot, song không nêu rõ loại tên lửa cụ thể đang gây ra mối đe dọa này.

Trong bối cảnh niềm tin vào năng lực của Patriot bị lung lay, châu Âu đang đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm một hệ thống thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Hệ thống phòng không Samp/T – sản phẩm hợp tác giữa Pháp và Ý dưới sự phát triển của liên doanh Eurosam đang nổi lên như một ứng viên tiềm năng. Với radar nâng cấp có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách trên 350km và khả năng phóng đạn 360 độ, Samp/T được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt hơn trước các mối đe dọa hiện đại.
Không chỉ vượt trội về mặt kỹ thuật, Samp/T còn có ưu thế rõ rệt về vận hành: chỉ cần 15 người điều khiển, so với khoảng 90 người cần thiết cho một tổ hợp Patriot.
Mặc dù có thông tin cho rằng lực lượng Ukraine vẫn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thực chiến của Samp/T, một quan chức quốc phòng Italy cho biết Kiev đã đưa ra "những phản hồi tích cực" sau khi tiếp cận hệ thống này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai tuyên bố rằng 17 tổ hợp Patriot đã "sẵn sàng chuyển giao" cho Ukraine. Tuy nhiên, phát biểu này khiến giới chức Kiev lúng túng do không rõ liệu ông đang nói đến số hệ thống hoàn chỉnh hay chỉ các thành phần rời rạc.
Ông Trump cũng đề xuất một cơ chế mới: các quốc gia NATO tại châu Âu sẽ thay mặt Ukraine mua vũ khí từ Mỹ. Đề xuất này được nữ Ngoại trưởng EU Kaja Kallas hoan nghênh, nhưng bà cũng nhấn mạnh rằng Washington cần "chia sẻ gánh nặng" trong việc hiện thực hóa cam kết hỗ trợ.
Về phía mình, Nga tiếp tục phản đối mạnh mẽ việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cáo buộc rằng hành động này chỉ kéo dài chiến sự và không thể làm thay đổi cục diện cuối cùng của cuộc xung đột.