Xả súng ở New Zealand: Phát súng định mệnh và những giấc mơ dang dở

VOV.VN - Trong số các nạn nhân vụ xả súng tại New Zealand, có những nạn nhân có tuổi đời rất trẻ. Ở độ tuổi 20, 30, họ mới chỉ kịp viết lên giấc mơ của mình.

Giấc mơ còn dang dở ….

Anh Abdul Nazer, 34 tuổi cùng vợ là Ansi Alibava, 25 tuổi đã lên một kế hoạch cho cuộc sống của mình. Họ đã vay tiền để đi từ Ấn Độ tới New Zealand vào năm 2018. Trong khi Ansi Alibava dự định học khóa đào tạo thạc sỹ về quản lý nông nghiệp thì Abdul Nazer dự kiến làm việc tại một siêu thị ở Christchurch để giúp trang trải chi phí cho cuộc sống hàng ngày.

Anh Abdul Nazer, 34 tuổi cùng vợ là Ansi Alibava, 25. Ảnh: CNN.

Cặp đôi hy vọng khi nào Alibava tốt nghiệp, họ sẽ tìm được công việc mới với mức lương cao hơn. Họ dự định sẽ sinh sống và làm việc tại New Zealand một thời gian trước khi trở về bang Kerala ở miền nam Ấn Độ để định cư. Tuy nhiên, vụ xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ ở trung tâm thành phố Christchurch đã thay đổi mọi thứ.

Nazer đã kể lại câu chuyện của anh với giọng điệu chậm rãi, ngập ngừng. Anh hầu như mất ngủ kể từ giây phút kinh hoàng đó. Bạn của anh Renju George, ngồi bên cạnh đã phải tiếp lời khi Nazer kể lại mọi chuyện.

Cả Nazer và vợ anh đều ở trong nhà thờ Al Noor, anh ngồi bên trái, còn vợ anh ngồi bên phải, khi những phát súng đầu tiên được bắn ra. “Trước khi vào lễ cầu nguyện chính, tôi nghe thấy một tiếng súng nổ, mới đầu tôi nghĩ rằng một vài đứa trẻ nghịch ngợm bên ngoài nhà thờ chắc đã làm vỡ một quả bóng bay”, anh Nazer kể lại bằng tiếng Malayalam.

Vài giây sau đó, một loạt tiếng nổ từ một loại vũ khí cực mạnh đã khiến khoảng 300 người trong nhà thờ hoảng sợ và xô đẩy nhau thoát ra ngoài. Nazer cho biết lúc đó anh đang gần cửa thoát hiểm và đã nhanh chóng trốn thoát ra ngoài sau khi một ai đó đập vỡ kính. Song nhiều người khác không được may mắn như vậy. “Họ bắt đầu đổ vào người tôi. Tôi nhìn thấy máu chảy ròng ròng trên chiếc áo sơ mi của họ”.

Nazer đã chạy tới một ngôi nhà gần đó và gọi cảnh sát giúp đỡ trước khi trở lại nhà thờ để tìm vợ. Anh vẫn chưa nhìn thấy cô ấy kể từ lúc họ cùng ngồi trên ghế. Cảnh tượng hiện ra trước mặt anh thật kinh khủng. Các xác chết nằm rải rác trên lối đi bên cạnh vũng máu. Rất nhiều người bị thương. Rồi anh thấy cơ thể bất động của vợ nằm úp mặt xuống lối đi. “Tôi đã chạy đến bên cô ấy, nhưng một cảnh sát đã ngăn tôi lại và bảo tôi đi ra chỗ khác”, anh nói. Mãi đến buổi tối ngày hôm sau (16/3), hơn 24 giờ sau khi anh ra khỏi nhà thờ Hồi giáo, cảnh sát mới xác nhận Alibava là một trong số 50 người bị sát hại trong vụ xả súng.

Nỗi đau người ở lại

Bạn của Nazer, George đã ở bên anh khi cảnh sát đưa cho họ và những gia đình khác danh sách những người bị xác nhận đã thiệt mạng. Anh Nazer, giống như nhiều thân nhân các nạn nhân khác vẫn chưa thực sự tin và cho rằng có thể đã xảy ra sự nhầm lẫn ở đây và có lẽ Alibava đang ở trong bệnh viện.

“Chúng tôi nghĩ rằng, một điều kỳ diệu có thể xảy ra”, George nói.

Nazer và Alibava đã có một cuộc hôn nhân sắp đặt 2 năm về trước, nhưng bạn bè của họ nói rằng cặp đôi đã nhanh chóng yêu nhau sâu đậm.

“Cô ấy rất yêu chồng và chồng cô ấy cũng rất yêu cô ấy”, Tali Ao, một người bạn thân của Alibava từ Trường đại học Lincoln cho biết. “Tôi đã chứng kiến họ tới New Zealand, chứng kiến họ tìm hiểu và yêu nhau như thế nào”. Alibava đã hoàn thành khóa học thạc sỹ cách đây 3 tuần, sau khi đăng ký khóa học thêm vào mùa hè năm ngoái để hoàn thành sớm hơn các bạn cùng lớp. Ao nói rằng Alibava là sinh viên sáng giá nhất trong khóa học này. “Các giảng viên và bạn bè đều yêu mến cô ấy. Cô ấy rất thông minh và rất giỏi trong việc hoàn thành các bài tập được giao”.

Trong ngày hôm nay (18/3), sinh viên và nhân viên của trường đại học Lincoln đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những người đã thiệt mạng trong vụ xả súng. Ông Bruce Mckenzie, một quan chức cho biết: “Thật đau xót và thật khó tưởng tượng khi nhiều nạn nhân bị tấn công chỉ bởi tôn giáo của họ”.

Cộng đồng người Ấn Độ đến từ bang Kerala tại Christchurch đã thể hiện tình đoàn kết với Nazer để giúp anh vượt qua những khó khăn trong thời gian tới. Họ đã lập trang Givealittle kêu gọi quyên góp tiền giúp anh Nazer trả khoản vay 48.000 USD chi trả cho chi phí học tập của Alibava. Nazer muốn đưa thi thể vợ anh trở về bang Kerala để đoàn tụ với mẹ và anh trai cô. Cha cô đã chết cách đây một vài năm.

Nazer không chắc chắn tương lai sẽ ra sao, nhưng anh nói rằng anh muốn ở lại thành phố Christchurch, nơi hai vợ chồng đã dành phần lớn quãng thời gian sống cùng với nhau. “Cô ấy có rất nhiều giấc mơ", anh nói. "Không ai có thể mong đợi một thứ gì đó như thế này sẽ xảy ra. Có rất nhiều người tốt ở đây... Điều này không nên xảy ra với bất kỳ gia đình nào”.

Nạn nhân nhỏ tuổi nhất

Cậu bé Mucaad Ibrahim được xác định là nạn nhân nhỏ tuổi nhất vụ xả súng hôm 15/3.  Em bị lạc cha và người anh trai Abdi khi vụ xả súng bắt đầu xảy ra tại nhà thờ Al Noor. Tờ New Zealand Herald cho biết, gia đình đã tìm kiếm cậu bé trong vô vọng và sau đó đã đăng tải một bức ảnh của Mucaad cùng với Abdi đang mỉm cười có dòng chú thích: “Chúng ta thuộc về Chúa và chúng ta sẽ trở về. Sẽ rất nhớ em, em trai nhỏ của anh”.

Cậu bé Mucaad Ibrahim. Ảnh: AP.

Abdi cho biết cảnh sát đã xác nhận Mucaad Ibrahim, một đứa trẻ mới đang chập chững biết đi, đã bị sát hại. Mucaad sinh ra và lớn lên ở thành phố Christchurch. Chỉ mới 3 tuổi nhưng Mucaad được những người dân quanh vùng rất yêu mến, vì thông minh và hay cười. Theo lời kể của người anh trai, Mucaad là đứa trẻ hoạt bát, đáng yêu, cười rất nhiều và thích chơi iPad.

Ahmed Osman, một người bạn thân của gia đình cho biết, Mucaad thường cổ vũ trên vỉa hè khi Osman và Abdi chơi bóng đá vào mỗi buổi tối thứ Sau tại một công viên gần nhà thờ. Theo thói quen, cậu bé sẽ tới khích lệ cả hai trong trận cầu tối thứ 6 ngày 15/3, nhưng điều đó đã chẳng bao xảy ra nữa. Khi Mucaad đang ngồi ngay trước Abdi lắng nghe Kinh thánh thì một loạt tiếng súng đột ngột vang lên, xé tan bầu không khí bình lặng trong nhà thờ. Mọi người hoảng hốt tháo chạy. Abdi nghĩ rằng em trai đã đi cùng bố nhưng thực tế 3 người bị lạc nhau. Đó là lần cuối cùng Abdi nhìn thấy Mucaad.

Osman cho biết, sự hỗ trợ của cộng đồng sẽ giúp gia đình Ibrahim vượt qua nỗi đau này. “New Zealand luôn đứng sau chúng tôi. Thậm chí khi chúng tôi đi bộ trên đường, mọi người cũng dừng lại và hỏi: Bạn vẫn ổn chứ?. Đó là tất cả những gì về New Zealand. Mọi người luôn đoàn kết với nhau”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ xả súng tại New Zealand: Gia đình nghi phạm xin lỗi các nạn nhân
Vụ xả súng tại New Zealand: Gia đình nghi phạm xin lỗi các nạn nhân

VOV.VN - Hôm nay (17/3), gia đình nghi phạm người Australia gây ra hai vụ xả súng tại New Zealand đã gửi lời xin lỗi tới các gia đình nạn nhân.

Vụ xả súng tại New Zealand: Gia đình nghi phạm xin lỗi các nạn nhân

Vụ xả súng tại New Zealand: Gia đình nghi phạm xin lỗi các nạn nhân

VOV.VN - Hôm nay (17/3), gia đình nghi phạm người Australia gây ra hai vụ xả súng tại New Zealand đã gửi lời xin lỗi tới các gia đình nạn nhân.

Vụ xả súng tại New Zealand: Nghi phạm có thể bị buộc thêm tội
Vụ xả súng tại New Zealand: Nghi phạm có thể bị buộc thêm tội

VOV.VN - Ngoài tội giết người, nhiều khả năng nghi phạm sẽ bị truy tố thêm tội mới dựa vào số lượng người thiệt mạng trong vụ xả súng vừa qua.

Vụ xả súng tại New Zealand: Nghi phạm có thể bị buộc thêm tội

Vụ xả súng tại New Zealand: Nghi phạm có thể bị buộc thêm tội

VOV.VN - Ngoài tội giết người, nhiều khả năng nghi phạm sẽ bị truy tố thêm tội mới dựa vào số lượng người thiệt mạng trong vụ xả súng vừa qua.

Nghi phạm xả súng New Zealand cảnh báo trước hành vi tội ác
Nghi phạm xả súng New Zealand cảnh báo trước hành vi tội ác

VOV.VN - Văn phòng Thủ tướng New Zealand đã nhận được lá thư từ nghi phạm chỉ chưa đầy 10 phút trước khi các cuộc tấn công xảy ra.

Nghi phạm xả súng New Zealand cảnh báo trước hành vi tội ác

Nghi phạm xả súng New Zealand cảnh báo trước hành vi tội ác

VOV.VN - Văn phòng Thủ tướng New Zealand đã nhận được lá thư từ nghi phạm chỉ chưa đầy 10 phút trước khi các cuộc tấn công xảy ra.