Xác cá voi chứa 6kg rác thải nhựa trôi dạt vào vùng biển Indonesia
VOV.VN - Indonesia vừa phát hiện xác một con cá voi nhà táng chứa 6kg rác thải nhựa trong dạ dày.
Giới chức Indonesia ngày 20/11 cho biết, họ vừa phát hiện xác một con cá voi nhà táng tại công viên quốc gia ở Indonesia với 6kg rác thải nhựa trong dạ dày. Điều này làm dấy lên mối quan ngại trong giới bảo vệ môi trường cũng như quan chức chính quyền tại một trong những quốc gia ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới.
Xác cá voi chứa rác thải nhựa trôi dạt vào vùng biển Indonesia. Ảnh: Channel News Asia. |
Xác con cá voi dài 9,5m đang phân hủy được tìm thấy ở vùng biển gần Đảo Kapota – vốn là một phần của Công viên Quốc gia Wakatobi, ở đông nam Sulawesi. Công viên này thu hút nhiều thợ lặn vì có rạn san hô rộng lớn, cùng với sinh vật biển đa dạng, trong đó có sứa và cá voi. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra cái chết của con cá voi này, nhưng các quan chức quản lý công viên đã tìm thấy nhiều chai lọ, túi, dép xăng đan, 115 chiếc cốc nhựa và một bao tải đựng hơn 1.000 mảnh nhựa trong dạ dày của nó. Giới chức quản lý công viên Wakatobi đã chôn cất xác chú cá voi này vào hôm qua (20/11).
Trước đó vào tháng 6/2018, người ta cũng phát hiện xác của một chú cá voi hoa tiêu tại Thái Lan với 80 mảnh rác thải nhựa trong dạ dày.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hồi tháng 1/2018, Indonesia, với 260 triệu dân, là nước ô nhiễm rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Mỗi năm, nước này thải ra 3,2 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý đúng cách, trong đó 1,29 triệu tấn trôi ra đại dương.
Ông Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Bộ Điều phối Các vấn đề hàng hải của Indonesia, vụ việc có thể khiến người dân nhận thấy cần thiết phải cắt giảm sử dụng rác thải nhựa, đồng thời khiến chính phủ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ môi trường biển.
Theo ông, chính phủ đang thực thi mọi nỗ lực để giảm việc sử dụng rác thải nhựa, trong đó có việc yêu cầu các cửa hàng không cung cấp túi nhựa cho khách hàng, đồng thời tăng cường giảng dạy việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong các trường học trên toàn quốc, để đáp ứng mục tiêu cắt giảm 70% rác thải nhựa vào năm 2025./.