Xuất hiện siêu biến thể mới Omicron, các nước ráo riết dựng hàng rào phòng vệ
VOV.VN - Lo ngại biến thể Omicron có khả năng né tránh "hệ thống phòng thủ" vaccine mà thế giới đã sử dụng, các nước cũng ráo riết xây dựng các hàng rào phòng vệ.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại. Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này. Trong cuộc họp khẩn hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới cho biết sẽ mất vài tuần để đánh giá tác động của biến thể mới.
Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới Chiristian Lindmeier nhận định: "Các phân tích ban đầu cho thấy biến thể này có một số lượng lớn các đột biến. Sẽ mất vài tuần để chúng tôi hiểu được tác động của biến thể này. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu cách thức lây lan của biến thể mới và tác động đến các phương pháp điều trị và vaccine hiện nay. Hiện biến thể có tốc độ lây lan khá nhanh”.
Thị trường chứng khoán thế giới đã trải qua ngày giao dịch “Thứ Sáu đen tối” ngập sâu trong sắc đỏ, khi thông tin về biến thể nguy hiểm mới tác động mạnh đến tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi kinh tế cũng như việc khôi phục lại thị trường du lịch sau nhiều tháng “đóng băng” vì đại dịch COVID-19.
Chuyên gia kinh tế thị trường tại Mỹ Peter Cardillo nhận định: "Giống như tất cả các thị trường khác, các nhà đầu tư chứng khoán lo ngại biến thể mới có thể làm tê liệt hoạt động kinh tế. Nếu điều này xảy ra chúng ta có thể thấy lượng cổ phiếu bán ra nhiều hơn trong những ngày tới".
Không chỉ giá chứng khoán, giá dầu cũng quay đầu giảm mạnh trong các phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam. Hàng loạt các quốc gia và tổ chức thế giới ban bố các cảnh báo nguy cấp về biến thể mới. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo nguy cơ "từ cao tới rất cao" biến thể sẽ lan rộng ra châu Âu.
Sau khi xuất hiện tại Nam Phi, Hong Kong (Trung Quốc), Bỉ trở thành nước châu Âu đầu tiên ghi nhận ca nhiễm biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 và Israel cũng công bố ca mắc biến thể Omicron. Các chuyên gia dịch tễ Nam Phi - quốc gia đang bị biến thể Omicron lan rộng hối thúc phản ứng toàn cầu trước biến thế mới.
Chuyên gia y tế trường đại học Columbia Salim Abdool Karim nhấn mạnh: “Khi biến thể Delta xuất hiện, chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất hiện tại 53 quốc gia. Những biến thể mới lây lan khá nhanh và điều này cần sự phối hợp trên quy mô toàn cầu. Chúng ta phải cùng nhau tìm ra giải pháp cho biến thể này. Và một phần của điều đó là không phản ứng thái quá vì điều đó không thể giải quyết vấn đề”.
Lo ngại tác động của biến thể, các quốc gia ngay lập tức siết chặt các hoạt động đi lại. Liên minh châu Âu đề xuất dừng mọi hoạt động đi lại hàng không với khu vực miền Nam châu Phi. Mỹ cũng hạn chế đi lại từ Nam Phi và 7 quốc gia châu Phi khác từ thứ Hai tuần tới nhằm kiểm soát sự lây lan của biến thể mới. Hàng loạt quốc gia như Malaysia, Đức, Anh, CH Séc, Israel, Singapore cũng đã cấm hầu hết các hoạt động đi lại từ một số khu vực của châu Phi do lo ngại nguy cơ lây nhiễm của siêu biến thể mới./.