Xung đột có thể leo thang sẽ đẩy Myanmar rơi vào khủng hoảng tồi tệ
VOV.VN - Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (UNOCHA) cho biết, xung đột giữa các phe phái ở Myanmar đã khiến hơn 2,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và hơn 18,6 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo trong năm 2024.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, xung đột, giao tranh được dự báo sẽ còn tiếp diễn và có xu hướng lan rộng ra nhiều vùng, miền của Myanmar. Tình trạng bất ổn cộng hưởng với giá cả hàng hóa thiết yếu leo thang do khan hiếm khiến cuộc sống của hàng chục triệu người dân Myanmar ngày càng khó khăn.
Văn phòng UNOCHA cho biết trong năm 2023, cơ quan này đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho ít nhất 3,2 triệu người Myanmar; tuy nhiên sự hỗ trợ này vẫn còn khiêm tốn so với kế hoạch ban đầu do tình hình giao tranh căng thẳng và việc các phe phái tại Myanmar áp đặt các hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang thiếu hụt lớn về nguồn kinh phí để có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho thêm hàng triệu người khác.
Theo kế hoạch ứng phó và nhu cầu nhân đạo năm 2024, Văn phòng UNOCHA cho biết sẽ nỗ lực cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho khoảng 5,3 triệu người với khoản ngân sách dự trù là 994 triệu USD. Nếu tình trạng các khoản kinh phí tiếp tục thiếu hụt, công tác hỗ trợ dành cho người dân Myanmar sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Các chuyên gia an ninh tại Thái Lan cảnh báo tình hình giao tranh giữa Quân đội Myanmar và các phe nhóm đối lập sẽ diễn ra khốc liệt hơn trong tháng 3 và 4 này do Myanmar đã bước vào mùa khô.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Myanmar áp dụng luật nghĩa vụ quân sự mới sẽ làm tăng đáng kể nhân lực, là cơ sở để Quân đội Myanmar tiến hành các cuộc phản công trên diện rộng.
Thực tế này sẽ khiến Myanmar ngày càng đối mặt với những vấn đề nhân đạo tồi tệ. Hàng chục nghìn người dân Myanmar sẽ tiếp tục tìm cách di dời sang các quốc gia láng giềng, nhất là Thái Lan để lánh nạn.