Xung đột giáo phái tại Iraq ngày càng hiện hữu

Làn sóng bạo lực nhằm vào người Hồi giáo Shiite đang làm gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột giáo phái quay trở lại tại Iraq.

Bạo lực liên tiếp xảy ra trong những ngày qua nhằm vào lực lượng an ninh và người hành hương tại Iraq, gây nhiều thương vong.

Việc Mỹ rút quân hoàn toàn đã để lại khoảng trống an ninh. Hơn nữa, kết quả của cuộc chiến 10 năm qua là việc quốc gia vùng Vịnh này lại chìm vào khủng hoảng chính trị.

Hiện trường một vụ đánh bom tại Iraq trong những ngày qua (Ảnh: Reuters)

Ngày 15/1, 10 người đã thiệt mạng khi một nhóm vũ trang tấn công liều chết trụ sở cảnh sát tại thành phố Ramadi - thủ phủ tỉnh Anbar, miền Tây Iraq - nơi người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, trong đó 3 cảnh sát và 1 dân thường đã thiệt mạng, 18 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công mới nhất trong chuỗi bạo lực bùng phát tại Iraq kể từ cuối năm ngoái.

Trước đó, vào thứ 7 vừa qua, tại thành phố Basra, miền Bắc Iraq đã có ít nhất 53 người thiệt mạng và gần 140 người khác bị thương trong vụ tấn công nhằm vào một đám đông người Hồi giáo dòng Shiite.

Vụ tấn công là hành động bạo lực đẫm máu nhất với mục tiêu nhằm vào người Hồi giáo Shiite, kể từ loạt vụ đánh bom khủng bố ở Baghdad và miền Nam Iraq trong tháng 12/2010, khiến 70 người thiệt mạng.

Người dân Iraq lúc này đặt ra câu hỏi lớn về  lực lượng an ninh Iraq và tương lai nào cho quốc gia Trung Đông này. “Người dân chúng tôi yêu cầu có sự hỗ trợ và đảm bảo an ninh từ chính phủ. Lực lượng an ninh mà chính phủ đã từng nhắc đến đang ở đâu? Chúng tôi cần được đảm bảo an ninh. Chúng tôi đang ở đường cùng và không biết phải lánh đi đâu khi bạo lực xảy ra”, một người dân cho biết.

Sau khi Mỹ rút hoàn toàn lực lượng chiến đấu khỏi Iraq, đất nước này đã nhanh chóng chìm vào khủng hoảng chính trị với một loạt vụ việc gây chấn động chính trường như: Phó Tổng thống Tariq al-Hashimi bị truy nã với cáo buộc dính líu tới khủng bố, Thủ tướng Nouri al-Maliki, người Hồi giáo dòng Shiite, yêu cầu cách chức Phó Thủ tướng Saleh al-Mutlak thuộc dòng Sunni, trong khi khối Iraqya tẩy chay các hoạt động của Quốc hội vì cho rằng Thủ tướng Maliki thao túng quyền lực.

Làn sóng bạo lực là dấu hiệu rõ nhất của xung đột giáo phái tái xuất hiện tại Iraq, vốn bùng nổ trong những năm 2006-2007, làm hàng nghìn người thiệt mạng. Vụ tấn công mới nhất vừa xảy ra tại thành phố Ramadi - căn cứ vững chắc của lực lượng vũ trang dòng Sunni, từng liên hệ với Lực lượng khủng bố Al Qaeda.

Hiện nay chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên, các vụ tấn công vào cảnh sát và quan chức chính phủ thường do chi nhánh của lực lượng Al Qeada tại Iraq hoặc phiến quân người Sunni thực hiện.

Đại sứ LHQ tại Iraq Martin Kobler đã lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực tại Iraq, đồng thời thúc giục chính phủ nước này nỗ lực phá vỡ “vòng luẩn quẩn của bạo lực”.

Ông Kobler nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một chính phủ chia sẻ quyền lực của Iraq, với sự tham gia của người Shiite, Sunni và người Kurk./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên