Xung đột Nagorno-Karabakh: Ngoại giao Armenia-Azerbaijan rơi vào bế tắc
VOV.VN - Mọi nỗ lực ngoại giao nhằm hòa giải căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan tới nay đều không đạt tiến triển và đã xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ cuộc xung đột bị quốc tế hóa .
Sau hơn 1 tuần bùng phát, cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và thậm chí lan rộng ra cả những làng mạc, thị trấn nằm cách xa khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Mọi nỗ lực ngoại giao nhằm hòa giải các bên tới nay đều không đạt tiến triển và đã xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ cuộc xung đột bị quốc tế hóa.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm qua (4/10) cáo buộc lực lượng vũ trang Armenia đã pháo kích vào thành phố Ganja với khoảng 330.000 dân và cách khu vực chiến sự hơn 100 km, làm ít nhất 2 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Nếu được xác nhận, đây sẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy “đám cháy xung đột” đang ngày một lan rộng, không chỉ dừng lại ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã gọi đây là một hành động khiêu khích và mở rộng khu vực thù địch. Phía Armenia ngay lập tức bác bỏ và tố ngược lại Azerbaijan bắn tên lửa tầm xa vào các thành phố Stepanakert và Martakert ở Nagorno-Karabakh.
Dù nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song Nagorno-Karabakh lại là khu vực có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều thập kỷ giữa Azerbaijan và Armenia, mà đỉnh điển là cuộc xung đột trong những năm 1990 làm 30.000 người thiệt mạng. Những cuộc đụng độ hiện nay được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 2016 và hai bên vẫn chưa cho thấy ý định sẽ ngồi vào bàn đàm phán vào thời điểm hiện nay. Trong khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đặt điều kiện để chấm dứt giao tranh là Armenia phải rút quân hoàn toàn và thừa nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, thì Armenia cũng cho rằng nước láng giềng mới là bên phải từ bỏ sử dụng vũ lực trước.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết: “Azerbaijan sẽ không cho phép bất cứ ai xâm chiếm Nagorno-Karabakh. Đây là một phần lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi sẽ trở lại. Điều kiện cuối cùng của Azerbaijan là Armenia phải đưa ra một lịch trình rút các lực lượng vũ trang khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng”.
Vốn có quan hệ chặt chẽ với cả Armenia và Azerbaijan, Nga đang cố gắng đứng ra làm trung gian hòa giải các bên. Đều là những nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk, Nga cùng với Pháp và Mỹ hồi cuối tuần vừa qua đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng bắn hoàn toàn vô điều kiện.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình rất chặt chẽ và tin rằng các hoạt động quân sự nên dừng lại ngay lập tức. Quá trình giải quyết xung đột, cũng như hậu quả của việc bùng phát xung đột nên được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”.
Diễn biến ở Nagorno-Karabakh cho thấy tính chất phức tạp của cuộc xung đột đang diễn ra, nếu không kịp thời ngăn chặn có thể làm bùng phát một cuộc chiến toàn diện, kéo theo sự tham gia của nhiều bên như mối lo ngại của cộng đồng quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO với tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, đã cam kết sẽ hỗ trợ đồng minh lâu năm Azerbaijan “trên chiến trường hoặc trên bàn đàm phán” nếu cần thiết. Nước này trước đó cũng đã bác bỏ mạnh mẽ vai trò hòa giải của Nga, Pháp và Mỹ tại khu vực./.