Xung đột Nga-Ukraine dẫn tới làn sóng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2
VOV.VN - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres cho biết, xung đột Nga – Ukraine đã đẩy số người phải “di dời cưỡng bức” trên toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc đáng kinh ngạc 100 triệu người.
Cảnh báo dân số tị nạn toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, Tổng thư ký Antonio Gutteres dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc ghi nhận cuộc xung đột Nga – Ukraine đã đẩy số người phải “di dời cưỡng bức” trên toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc đáng kinh ngạc 100 triệu người. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng di cư lớn nhất và nhanh nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngày Tị nạn Thế giới năm nay vì vậy khẳng định nguyên lý cơ bản của nhân loại nói chung: mọi người đều có quyền tìm kiếm sự an toàn - dù họ là ai, họ đến từ đâu và bất cứ khi nào họ bị cưỡng bức phải di dời. Luật pháp quốc tế đã quy định rất rõ, quyền xin tị nạn là một quyền cơ bản của con người. Ngoài yếu tố an toàn trước tiên, những người tị nạn cũng cần được trao cơ hội bao gồm được chữa bệnh, được học hỏi, làm việc và phát triển, cũng như cơ hội trở về nhà nếu họ có nguyện vọng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh toàn cầu và xung đột, vấn đề di cư vốn gây chia rẽ các nước trong khu vực châu Âu suốt nhiều năm, nay càng trở nên trầm trọng hơn. Trong năm tháng đầu năm nay, số người nhập cư trái phép vào Liên minh châu Âu (EU) qua tuyến đường Tây Balkan đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số quốc gia châu Âu có đường biên giới với Ucraina như Ba Lan, Hungary, Romania... đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng buộc người tị nạn phải bươn chải để kiếm sống, điều này khiến chính quyền nước sở tại khó quản lý và kiểm soát tình hình. Làn sóng tị nạn cũng đặt gánh nặng lên vai các nước châu Âu về chăm sóc y tế, việc làm, giáo dục con cái và vấn đề lưu trú bất hợp pháp.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), việc tái định cư cho người tị nạn Ucraina ước tính sẽ tiêu tốn ít nhất 43 tỷ euro, tương đương với 1/4 tổng chi tiêu dự tính trong năm 2022 của EU, giữa lúc khối này vẫn đang gồng gánh áp lực từ cuộc khủng hoảng di cư ở phía bên kia bờ Địa Trung Hải.
Để đối phó làn sóng di cư đang là bài toán “đau đầu” giữa các quốc gia trong EU, Chính phủ Pháp mới đây hối thúc EU hiện thực hóa một hiệp ước về người tị nạn, vốn đã đình trệ trong nhiều năm, trong đó đề cập kế hoạch tái định cư khoảng 10.000 người tị nạn đến các quốc gia thành viên sẵn sàng tiếp nhận, trong khi những quốc gia không muốn tiếp nhận người tị nạn có thể đóng góp tài chính để được miễn trách nhiệm này. Trong khi, Anh cũng xúc tiến biện pháp đưa người vượt biên trái phép sang Rwanda, với hy vọng chính sách này sẽ giáng một đòn mạnh vào hoạt động di cư bất hợp pháp, khiến người di cư không tìm mọi cách vượt biên vào Anh và qua đó hạn chế cơ hội trục lợi của các nhóm buôn người.
Tuy nhiên, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) thể hiện quan điểm không đồng tình với thỏa thuận chuyển người di cư từ Anh sang Rwanda, cho rằng điều này sẽ đặt một tiền lệ rắc rối, đặc biệt liên quan đến quyền xin tị nạn. Bà Gillian Triggs, Trợ lý phụ trách bảo trợ của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) lo ngại, Anh có thể rút khỏi các thỏa thuận nhân quyền quốc tế để thực hiện chính sách này.
“Liên minh châu Âu hiện đã mở cửa các biên giới cho hàng triệu người với quy chế bảo vệ tạm thời trên khắp châu Âu. Những vướng mắc trong vấn đề di cư có thể dần được giải quyết với ý chí chính trị và đó là ý chí chính trị mà chúng tôi cũng muốn thấy Vương quốc Anh áp dụng”, bà Triggs nhấn mạnh.
Kế hoạch của Chính phủ Anh cũng vấp phải sự phản đối từ hơn 160 tổ chức từ thiện và nhóm vận động xã hội, khi nhiều ý kiến phản đối cho rằng thỏa thuận không an toàn cho người di cư và có thể gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với cuộc sống của họ.
Trong khi EU vẫn chưa ban bố được một chính sách chung, công bằng về vấn đề người tị nạn, thì làn sóng di cư bùng nổ tại châu Phi cũng là điều khó tránh khi giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, kéo theo gia tăng tỷ lệ đói nghèo và đe dọa dẫn tới bạo loạn xã hội tại châu lục này. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc ngày 19/6 cảnh báo người tị nạn từ các nước ở khu vực Đông và Tây Phi có nguy cơ đối mặt với việc thiếu lương thực trầm trọng do thiếu các khoản tài trợ./.