Xung đột Nga - Ukraine thải ra 175 triệu tấn CO2, gây ô nhiễm nặng như thế nào?
VOV.VN - Một báo cáo chung mới công bố hôm 13/6 cho biết, xung đột Nga - Ukraine đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm phát thải 175 triệu tấn khí CO2 vào môi trường, tạo ra ô nhiễm không khí khủng khiếp.
Lượng phát thải CO2 trong báo cáo trên về xung đột Nga - Ukraine đã bao gồm cả khí đã phát thải và khí sẽ phát thải trong quá trình tái thiết những nơi bị xung đột tàn phá kể từ khi cuộc xung đột này nổ ra tháng 2/2022.
Báo cáo, do Bộ Môi trường Ukraine và các tổ chức phi chính phủ về khí hậu công bố, cũng vạch ra một số yếu tố làm phát thải khí carbon dioxide trong chiến sự.
Báo cáo có đoạn: “Hàng tỷ lít nhiên liệu được xe quân sự sử dụng, gần một triệu hecta cánh đồng và rừng bốc cháy, hàng trăm cơ sở dầu khí phát nổ, và có lượng lớn thép và xi măng được sử dụng để xây hàng trăm kilomet chiến tuyến”.
Con số 175 triệu tấn CO2 là tương đương với mức phát thải CO2 của 90 triệu xe ô tô hoặc của toàn bộ đất nước Hà Lan trong một năm, vẫn theo báo cáo này.
Giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine trong cuộc xung đột trên bộ lớn nhất châu Âu trong vòng 80 năm qua đã gây tổn hại cho môi trường.
Theo báo cáo, phát thải khí CO2 thời chiến có thể chia thành 3 phần: Phần do hoạt động quân sự, phần do thép và bê tông cần để tái thiết cơ sở hạ tầng và phần phát sinh từ hỏa hoạn và hoạt động di chuyển của con người.
Trong đó, theo báo cáo, hoạt động quân sự giữa Nga và Ukraine tạo ra tới 51,6 triệu tấn CO2. Riêng việc tiêu thụ nhiên liệu quân sự đã tạo ra 44,6 triệu tấn CO2.
Còn theo một ước tính năm 2022, quân đội các nước trên thế giới tạo ra 5,5% khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Xem thêm:
>> Cận cảnh Nga săn xe tăng Abrams của Ukraine bằng UAV sát thủ
>> Tàu chiến Nga tiến vào cảng Cuba có ý nghĩa như nào trong xung đột Ukraine?