Xưởng Lỗ Ban của Trung Quốc là gì?
VOV.VN - Trong những năm gần đây, “Xưởng Lỗ Ban” (Luban Workshop) được nhắc đến nhiều trong các thỏa thuận hợp tác và tuyên bố chung giữa Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển và các quốc gia dọc “Vành đai và Con đường”. Vậy Xưởng Lỗ Ban là gì?
Lỗ Ban là một thợ mộc tài ba người nước Lỗ vào đầu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là người phát minh ra nhiều loại công cụ làm mộc, như thước, bào, khoan, cưa..., do vậy được coi như ông tổ của nghề mộc và là biểu tượng cho trí tuệ của người dân lao động xưa ở nước này.
Xưởng Lỗ Ban là một thương hiệu giáo dục nghề nghiệp lấy tên ông đang được Trung Quốc triển khai ở nước ngoài. Địa phương đi đầu trong việc thực hiện mô hình này là thành phố Thiên Tân – địa phương nổi tiếng về đào tạo nghề ở nước này.
Theo bà Lý Vân Mai (Li Yunmei), Giám đốc Học viện Kỹ thuật và Dạy nghề Công nghiệp nhẹ Thiên Tân, tính đến nay, Trung Quốc đã xây được 35 Xưởng Lỗ Ban ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó riêng Thiên Tân là 24 xưởng. Nơi thiết lập các xưởng này, ngoài các nước đang phát triển, còn có nước phát triển như Anh, hay các quốc gia không thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” như Ấn Độ.
Xưởng Lỗ Ban đầu tiên được thành lập năm 2016 ở Thái Lan và xưởng mới nhất vừa chính thức đi vào hoạt động hôm 24/4 ở Lào, theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc.
Nghề nghiệp được giảng dạy tại đây có thể là các ngành truyền thống như chế tạo, ẩm thực Trung Hoa, y học cổ truyền (Trung Y), hay các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, xe điện, vận hành đường sắt và robot.
Bà Lý Vân Mai cho biết, nghề nghiệp đào tạo ở mỗi quốc gia sẽ căn cứ vào nhu cầu của nước sở tại và cả doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại đây. Bà lấy ví dụ: “Khi chúng tôi đầu tư xây Xưởng Lỗ Ban ở Ấn Độ, chính quyền thành phố Thiên Tân đã cấp cho chúng tôi 6 triệu nhân dân tệ. Khi chúng tôi xây xưởng ở Châu Phi, thành phố cấp cho chúng tôi 8 triệu. Nhưng ở giai đoạn sau, các xưởng này phải liên tục hợp tác với doanh nghiệp, bởi đây là mô hình kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào, bao gồm cả các doanh nghiệp Trung Quốc tại địa phương.”
Nếu như những năm trước đây, Xưởng Lỗ Ban tập trung chính ở các quốc gia châu Phi, thì nay Trung Quốc đang chuyển hướng sang Trung Á. Bà Lý Vân Mai cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi đã xây 12 Xưởng Lỗ Ban ở 11 quốc gia châu Phi. Giờ đây, theo quy hoạch tổng thể của đất nước, chúng tôi sẽ xây dựng một số xưởng ở Trung Á, đặc biệt là các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch xây gần 10 xưởng.”
Xưởng Lỗ Ban ở Lào là 1 trong 6 xưởng Trung Quốc xây dựng tại các quốc gia ASEAN. Không chỉ truyền đạt các kỹ năng nghề về ô tô, xưởng này còn kết hợp cả giảng dạy tiếng Trung Quốc. Đây cũng là hướng đi mới của mô hình này, bởi nhiều xưởng trước đó chủ yếu tập chung vào đào tạo nghề.
Bà Lý Vân Mai chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đang đề xướng mô hình ‘Tiếng Trung + Kỹ năng’, để trong khi nâng cao kỹ năng, các học viên còn có thể hiểu được những câu chuyện đằng sau các kỹ năng này, bao gồm một số thợ giỏi của chúng tôi, hay một số bài thơ cổ và văn hóa cổ xuất sắc của Trung Quốc.”
Không chỉ đào tạo nghề và dạy tiếng, việc xây dựng các Xưởng Lỗ Ban còn là cách Trung Quốc quảng bá công nghệ và tiêu chuẩn của mình sang các nước đang phát triển.