Kỷ niệm Ngày chuyển đổi số quốc gia tại các địa phương

VOV.VN - Chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia với nhiều chương trình hoạt động nổi bật thiết thực diễn ra tại các địa phương

TP.HCM khai mạc chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia

Phóng viên Vũ Hường, CTV Thảo Quỳnh/VOV-TP.HCM thông tin, sáng nay (10/10) Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Quỹ Hoa Sen... tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia và 19 năm ngày Ngày Doanh Nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2023).

Chương trình diễn ra từ hôm nay cho đến ngày 16/10 với nhiều hoạt động nổi bật như Hội thảo chuyên đề và Triển lãm chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”, Diễn đàn Khoa học Sinh viên Quốc tế lần 7, Triển lãm sách về chuyển đổi số, Triển lãm ngành in TP.HCM năm 2023,…

Trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh Nhân và Sách, ngoài hoạt động trưng bày sách Doanh nhân Việt được yêu thích và sách kinh doanh đáng đọc năm 2023, chương trình còn giới thiệu kho thư viện số Doanh nhân Việt Nam và trải nghiệm thư viện số Doanh nhân Việt Nam. Qua đó tôn vinh những doanh nhân tiêu biểu; gia tăng giá trị khối tài sản là tri thức, kinh nghiệm của các doanh nhân Việt Nam phục vụ nhu cầu tham khảo, nghiên cứu, học tập của các tầng lớp xã hội; cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về các doanh nhân Việt Nam phục vụ kết nối giao thương và nâng cao uy tín của cộng đồng doanh nhân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Cùng với đó, hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia tại TP.HCM cũng giới thiệu Thư viện số Nguyễn An Ninh – chuyên đề Nam Bộ (phiên bản thử nghiệm). Đây là không gian tri thức mở, lưu trữ các nguồn tài liệu là sách vở dưới dạng sách giấy, sách nói, sách và tài liệu được số hóa, phim tài liệu… phục vụ bạn đọc, các nhà nghiên cứu, tham khảo, học hỏi, tìm hiểu về lịch sử con người Nam Bộ.

Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Hoa Sen - đơn vị thực hiện dự án này cho biết, dự án thư viện số Nguyễn An Ninh ấp ủ mong muốn trở thành một không gian văn hóa với nhiều chương trình, hoạt động như talkshow online, tọa đàm chuyên đề, podcast, giao lưu tác giả, nhà nghiên cứu… hướng đến việc thu hút giới trẻ, đọc và tìm hiểu về văn hóa lịch sử vùng đất phương Nam với rất nhiều điều mới lạ để khám phá. Bà Nguyệt nói: “Sau demo này chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung thêm nguồn tư liệu. Ngoài ra sẽ xây dựng không gian vật lý trải nghiệm tại Đường sách hoặc tại các sinh hoạt lễ hội văn hoá.

Kiên Giang cung cấp chữ ký số công cộng cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh

Phóng viên Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL đưa tin , sáng nay (10/10), Sở Thông tin truyền thông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị ngày chuyển đối số năm 2023. Tại hội nghị, Sở TTTT, Viễn thông Kiên Giang, Viettel và Mobiphone Kiên Giang ký cam kết triển khai cung cấp chữ ký số công cộng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; Đến năm 2030, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%.

Để đạt được các mục tiêu này, các bên cũng thống nhất ưu tiên áp dụng các chính sách có lợi cho người sử dụng để đẩy mạnh hoạt động cung cấp, sử dụng chữ ký số công cộng cho người dân; chủ động bố trí nguồn nhân lực phù hợp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã để hướng dẫn, cung cấp chữ ký số cho người dân khi đến giao dịch tại các địa điểm nêu trên; chủ động phối hợp với Tổ Công nghệ số cộng đồng để triển khai cung cấp chữ ký số cho người dân.

Cũng trong sáng nay, Sở TT-TT còn ký hợp tác với Trường Đại học Kiên Giang để tăng cường các hoạt động ứng dụng giao lưu và hợp tác về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng phát triển chính quyền số phát triển kinh tế số và xã hội số như xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng phát triển Chính quyền số phát triển Kinh tế số và Xã hội số trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Nghiên cứu triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước của các ngành, lĩnh vực phục vụ xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh; Phối hợp trong tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển đổi số cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh…

Ông Võ Minh Trung, Giám đốc sở TT-TT, Phó ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang cho biết: quan điểm xuyên suốt của tỉnh là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội tạo ra nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Tại hội nghị, ông Trung kêu gọi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời liên quan đến chuyển đổi số; bố trí nguồn lực hợp lý, xác định những công việc cấp bách, thiết yếu để tập trung ưu tiên thực hiện; xác định việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ góp phần trong việc nâng cao Chỉ số DTI (bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh tp trực thuộc trung ương); Tập trung huy động nguồn lực xã hội, nhất là của doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh nhà, từng bước xây dựng công dân số, lan tỏa và thúc đẩy phong trào chuyển đổi số trong toàn xã hội.

"Giải pháp ưu tiên đầu tiên là chúng tôi tập trung chuyển đổi số hoá hồ sơ vì muốn việc chuyển đổi số thành công thì phải có sự tham gia của người dân và các doanh nghiệp và muốn thật sự tham gia tốt thì vấn đề liên quan số hoá hồ sơ cũng như chia sẻ dữ liệu dùng chung để phục vụ cho các cơ quan hành chính.chúng tôi sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trong đó có kho dữ liệu số của tỉnh sẽ được triển khai trong năm 2023 và thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như trang bị các trang thiết bị cho các trung tâm phục vụ hành chính công để đảm bảo thực hiện tốt nhất khi người dân và các doanh nghiệp có nhu cầu trên các lĩnh vực"- ông Trung nói.

Hôm nay tỉnh cũng chính thức công bố đưa vào vận hành thử nghiệm kênh Zalo mini app trên nền tảng zalo của tỉnh 1022-KIÊNGIANG nhằm đưa chính quyền đến gần hơn, thân thiện hơn với người dân.

Chuyển đổi số Yên Bái tăng 25 bậc sau 3 năm

Phóng viên Đinh Tuấn/VOV -Tây Bắc cho biết, tỉnh Yên Bái hôm nay đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, so với năm 2020, chỉ số chuyển đổi số của địa phương đã tăng 25 bậc, xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các sở, ngành, địa phương ở Yên Bái đã bám sát chủ đề của quốc gia là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị” để triển khai thực hiện chuyển đổi số với nhiều mô hình, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm như:  Phần mềm công dân số YenBai-S giúp cho sự tương tác hai chiều giữa các cấp lãnh đạo và người dân được tốt hơn, nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân được trả lời và giải quyết trực tiếp, nhanh chóng; Cổng dịch vụ công tỉnh được kết nối, liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công....

Bên cạnh đó, các hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia cũng được địa phương triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nổi bật như: Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về kiến thức chuyển đổi số dành cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; thực hiện mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số với tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã; các tổ chuyển đổi số cộng đồng đã nỗ lực "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người" kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số...

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trong thời gian tới, ngoài chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong thực hiện thông tin, tuyên truyền; nâng cao kỹ năng công nghệ số cho cán bộ và người dân, Yên Bái sẽ tiếp tục quan tâm triển khai đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, các trang thiết bị và nhân lực phục vụ chuyển đổi số; khẩn trương hoàn thiện các nền tảng, ứng dụng số của tỉnh để phục vụ người dân, đặc biệt là các nền tảng kết nối giữa chính quyền với người dân để ghi nhận và phản hồi ý kiến của nhân dân.

"Qua nhiều phản ánh nhận được đã giúp chúng tôi kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị để triển khai. Đồng thời qua các nội dung phản ánh thì cũng làm cho cán bộ công chức, viên chức trách nhiệm hơn đối với công việc, bởi có nội dung gì, như thế nào nay người dân đã phản ánh qua chính phần mềm để các cấp chính quyền tiếp nhận được"- bà Hạnh nói.

Dịp này, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trao giải cho các thí sinh đạt giải tại Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số dành cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái năm 2023”; Sở Thông tin và truyền thông Yên Bái cũng tổ chức thí điểm mô hình “Bình dân học AI” .

Hội nghị chuyển đổi số trong Công an nhân dân lần thứ 2 năm 2023

Phóng viên Việt Cường/VOV1 đưa tin: Nhân ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10), sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị chuyển đổi số trong lực lượng Công an nhân dân lần thứ 2 năm 2023. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công an và Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số năm 2023, đối với 38 nhiệm vụ trong năm nay đã hoàn thành 25 nhiệm vụ (đạt gần 66%). Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, trong đó có 11 Dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06; đã hoàn thành cắt giảm yêu cầu việc nộp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú đối với 28 dịch vụ và cắt giảm yêu cầu nộp bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, bãi bỏ một số giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân đối với 58 dịch vụ. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 78%; nhiều dịch vụ có tỷ lệ trực tuyến cao như: Cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước: 91%; Thông báo lưu trú: 96%; Đăng ký con dấu: 97%; Thẩm duyệt thiết kế về Phòng cháy chữa cháy: 98%. Tuy nhiên, theo Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, tính đến tháng 09, còn 13/38 nhiệm vụ chậm tiến độ. Trong đó có 02 nhiệm vụ về hoàn thiện hành lang pháp lý; Việc sử dụng các thông tin, dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành cũng như trong nội bộ ngành Công an còn chưa đồng bộ, chưa tích hợp với nhau…

Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: “Hoàn thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung Bộ Công an; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong toàn lực lượng CAND và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Công an.Tổ chức các phương án, giải pháp ký số, bảo mật thông tin chuyên dùng mật mã cơ yếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin của ngành Công an; khắc phục triệt để các lỗ hổng gây nguy cơ mất an ninh, an toàn hệ thống”.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các cấp ủy đảng và lãnh đạo công an các đơn vị địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đưa vào nghị quyết của từng tổ chức đảng, trở thành kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên của từng đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiệm túc Nghị quyết 13 của Đảng ủy Công an Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 trong lực lượng công an nhân dân.

Đồng thời cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai các nhiệm vụ phục vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia: “Cần tập trung, hoàn thiện thể chế chính sách; phát triển đồng bộ về thể chế cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số trong toàn lực lượng công an nhân dân. Đây chính là việc để chúng ta cùng chung tay tạo lập môi trường pháp lý để dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững cho cả xã hội. Năm nay là năm dữ liệu và muốn có môi trường số thì phải có dữ liệu. Đồng thời tiếp tục rà soát hoàn thành toàn các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 của Bộ, trọng tâm là thúc đẩy nhanh thực hiện Đề án 06, tham mưu cho Chính phủ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia và xây dựng trung tâm thông tin dữ liệu nghiệp vụ công an.

Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức Ngày hội “Thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt”

Phóng viên Tuyết Lê/ VOV-Miền Trung thông tin, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), sáng nay Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ban quản lý các chợ Quận Cẩm Lệ tổ chức Ngày hội “Thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt”. 

Tại Ngày hội, các bạn đoàn viên thanh niên hướng dẫn tiểu thương và người dân cách quảng bá sản phẩm, cài mã QR code và những hình thức thanh toán hiện đại, tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thanh toán không dùng tiền mặt, cách thức đăng ký mở tài khoản ví điện tử và trải nghiệm giao dịch thanh toán không tiền mặt giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, an toàn và nhanh chóng.  

Ngày hội “Thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt” là dịp để nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên nói riêng và người dân về chuyển đổi số bằng cách chuyển đổi về tư duy, nhận thức, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. 

Anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí Thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Ngày hội trực tuyến không dùng tiền mặt triển khai đến bà con nhân dân nhằm tuyên truyền về nhận thức trong việc ứng dụng công nghệ số trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua hoạt động này góp phần giúp các tiểu thương nhận thức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia. Qua hoạt động này, tôi cũng mong muốn đoàn viên, thanh niên, bà con nhân dân nói chung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và có nhận thức chung hưởng ứng việc tham gia ứng dụng số, công nghệ số thông qua việc thanh toán giao dịch”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên
Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, bắt buộc phải chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên

Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, bắt buộc phải chuyển đổi số.

Chuyển đổi số giúp lãnh đạo ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn
Chuyển đổi số giúp lãnh đạo ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn

VOV.VN - Tỉnh Bình Định đã tập trung xây dựng hạ tầng số, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương, đảm bảo kết nối an toàn hiệu quả. Địa phương này chú trọng xây dựng kho dữ liệu để tăng tốc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số giúp lãnh đạo ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn

Chuyển đổi số giúp lãnh đạo ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn

VOV.VN - Tỉnh Bình Định đã tập trung xây dựng hạ tầng số, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương, đảm bảo kết nối an toàn hiệu quả. Địa phương này chú trọng xây dựng kho dữ liệu để tăng tốc chuyển đổi số.

Khai thác dữ liệu số thế nào cho hiệu quả phục vụ quá trình chuyển đổi số
Khai thác dữ liệu số thế nào cho hiệu quả phục vụ quá trình chuyển đổi số

VOV.VN - Dữ liệu số là nền tảng, “mạch máu” xuyên suốt quá trình chuyển đổi số, từ đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Khai thác dữ liệu số thế nào cho hiệu quả phục vụ quá trình chuyển đổi số

Khai thác dữ liệu số thế nào cho hiệu quả phục vụ quá trình chuyển đổi số

VOV.VN - Dữ liệu số là nền tảng, “mạch máu” xuyên suốt quá trình chuyển đổi số, từ đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.