“Điều tra doanh nghiệp 2023” làm sao để có con số chính xác

VOV.VN - Chỉ có những số liệu chính xác từ cấp DN, ngành thống kê mới có thể phân tích, dự báo, đề xuất, kiến nghị những giải pháp thiết thực cho từng ngành nghề, lĩnh vực và toàn nền kinh tế.

Nếu như trước kia cộng đồng doanh nhân luôn tự chủ trong hoạt động tìm hiểu và phân tích thị trường, thì ngày nay, đặc biệt là sau cú sốc Covid-19 cùng những biến động khôn lường từ kinh tế quốc tế, đa số kỳ vọng vào những số liệu thống kê từ cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có bộ số liệu từ Sách Trắng doanh nghiệp, Sách Trắng HTX.

Từ năm 2020, đây cũng là cơ sở để Chính phủ điều hành chính sách vĩ mô, phát triển kinh tế đất nước. Để có nguồn dữ liệu in trong 2 ấn phẩm này, toàn ngành thống kê thực hiện điều tra DN hàng năm. Kỳ thống kê năm nay khởi động từ 1/4 đến hết tháng 7, với nhiều tiêu chí thống kê mới, cần sự vào cuộc tích cực từ hơn 900.000 doanh nhân, doanh nghiệp thuộc diện điều tra.

Tập đoàn JFE Shoji của Nhật Bản có 1 chi nhánh đặt tại khu công nghiệp VSIP Thành phố Hải Phòng, chuyên gia công các sản phẩm thép và kim loại màu, phục vụ thị trường trong nước. Đây là nguyên vật liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực trọng yếu, nhưng sau những tác động từ đại dịch Covid và cuộc xung đột Nga-Ukraine, “đơn hàng giảm; chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí chung tăng, lãi vay tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều”, công ty này đang có liến lược kinh doanh mới. Ông Fumito Okabe – Tổng Giám đốc Công ty khẳng định, “để có chiến lược phát triển hiệu quả, công ty đặc biệt quan tâm các chỉ số kinh tế Việt Nam”.

“Các dữ liệu kinh tế Việt Nam như GDP, CPI, vốn FDI, chỉ số PCI, cán cân thương mại…là các thông tin rất cần thiết làm căn cứ để DN có thể đưa ra các kế hoạch kinh doanh trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Vì vậy, nếu chính phủ Việt Nam có thể xây dựng được một nền tảng dữ liệu chung, trên một trang web sẽ rất hữu ích và hiệu quả cho các nhà đầu tư”, ông Fumito Okabe nói.

Không chỉ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như JFE quan tâm các chỉ số thống kê kinh tế, những DN diện nhỏ và vừa như Công ty CP Khang Minh Group, chuyên vật liệu xây dựng không nung, có trụ sở tại Khu Công nghiệp Châu Sơn, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, Hà Nam cũng luôn coi trọng và mong chờ bộ dữ liệu sát thực về tăng trưởng kinh tế nước nhà, tăng trưởng của từng lĩnh vực, ngành nghề.

“Để đánh giá về thị trường chung, về các DN nếu có số liệu thống kê sẽ tạo thuận lợi cho các DN khi họ có dữ liệu để phân tích thị trường, phân tích sức khỏe của các DN. Nếu phân tích ra được từng dữ liệu của từng ngành hàng sẽ càng tốt cho những đơn vị kinh doanh sản xuất nguyên vật liệu”, ông Hà Xuân Trường – Giám đốc sản xuất nhà máy nhôm, thuộc Khang Minh group nhìn nhận.

Theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự thay đổi nhận thức từ giới chủ DN đã và đang góp phần tích cực cho hoạt động điều tra kinh tế thường niên của ngành thống kê. Năm nay là năm thứ 4 toàn ngành thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tiến hành điều tra trên diện rộng - 64 Tập đoàn, Tổng công ty; DN; HTX và các chi nhánh hạch toán độc lập trực thuộc DN, ước tính khoảng hơn 900.000 DN.

Về cách thức, hoạt động thống kê không có nhiều thay đổi so với các kỳ trước. Về chỉ tiêu thống kê, 2023 sẽ lần đầu tiến hành thống kê 2 lĩnh vực – kinh tế số và logistics. Đây là chỉ tiêu không dễ thực hiện bởi tác động của kinh tế số và logistics là tác động đa chiều, nhưng ngành cũng đã có những tiêu chí cụ thể.

“Tổng cục đã làm việc với các tổ chức quốc tế như OECD, ADB và cũng đã có những nghiên cứu ban đầu về khái niệm, định nghĩa, nhận dạng và thang đo đóng góp của hoạt động này trong GDP, ví dụ hoạt động nào là kinh tế số; thuộc những phân ngành nào và giá trị tạo ra của nó là gì và phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Ngành đã có những nghiên cứu, tính toán thử nghiệm chẳng hạn như đầu tư cho hoạt động số hóa từ các DN như thế nào. từ đó chúng ta sẽ tính toán được”, bà Hương cho biết.

Trong hoạt động điều tra doanh nghiệp, từ 2020, ngành thống kê đã tiến hành theo cách thức trực tuyến. Công tác thống kê của các điều tra viên thuận lợi hơn, nhiệm vụ của đội ngũ kế toán viên tại các DN cũng được tối giản, tiết kiệm, không còn phức tạp, rườm ra và phải di chuyển nhiều như các kỳ cuộc điều tra, giám sát trước đây.

Một tín hiệu tích cực nữa cho các cuộc điều tra DN thường niên, đó là nếu như trước kia giới chủ lo lộ lọt thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh khi phải báo cáo định kỳ, sang năm 2023, họ đã nhận diện rõ mục đích, mục tiêu và cách thức tiến hành từ cơ quan chức năng, nên hoàn toàn yên tâm phối hợp.

Ông Trần Trung Chính – Phó Tổng Giám đốc công ty Vạn Phú Gia chuyên sản xuất bao bì carton, có trụ sở tại Hà Nội khẳng định: Thống kê sẽ khác báo cáo tài chính. Bởi kê khai thống kê chính xác đầy đủ giúp DN có cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động của mình, biết điểm mạnh điểm yếu của DN để có cách khắc phục, so sánh, phân tích, bố trí lại phương thức hoạt động cho hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho mỗi DN.

Vấn đề còn lại trong nỗ lực điều tra DN 2023 nói riêng, điều tra DN thường niên nói chung là những số liệu thống kê chính xác được chính các công ty, DN nhập liệu, báo cáo về đầu mối là Tổng cục thống kê. Chỉ có những số liệu chính xác từ cấp DN, toàn ngành thống kê mới có thể phân tích tình hình, đặt trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế, đề xuất, kiến nghị những giải pháp sát thực nhất cho tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của từng ngành nghề, lĩnh vực và toàn nền kinh tế; cũng như dự báo, dự lường các vấn đề có thể xảy ra, với những biện pháp quản trị rủi ro hữu hiệu cho DN, cho từng ngành nghề, lĩnh vực, cho kinh tế nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Từ ngày 1/4/2023 điều tra trực tuyến khối doanh nghiệp
Từ ngày 1/4/2023 điều tra trực tuyến khối doanh nghiệp

VOV.VN - Kết quả điều tra được dùng để biên soạn "Sách trắng doanh nghiệp năm 2023" và “Sách trắng hợp tác xã năm 2023” và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác.

Từ ngày 1/4/2023 điều tra trực tuyến khối doanh nghiệp

Từ ngày 1/4/2023 điều tra trực tuyến khối doanh nghiệp

VOV.VN - Kết quả điều tra được dùng để biên soạn "Sách trắng doanh nghiệp năm 2023" và “Sách trắng hợp tác xã năm 2023” và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác.

Doanh nghiệp đang gặp khó: Cần giảm những thanh tra, kiểm soát không cần thiết
Doanh nghiệp đang gặp khó: Cần giảm những thanh tra, kiểm soát không cần thiết

VOV.VN - Những tháng cuối năm này, nhiều doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do sụt giảm về đơn hàng, áp lực về chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất… Điều này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.

Doanh nghiệp đang gặp khó: Cần giảm những thanh tra, kiểm soát không cần thiết

Doanh nghiệp đang gặp khó: Cần giảm những thanh tra, kiểm soát không cần thiết

VOV.VN - Những tháng cuối năm này, nhiều doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do sụt giảm về đơn hàng, áp lực về chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất… Điều này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.

Vẫn còn tình trạng lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp
Vẫn còn tình trạng lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp

VOV.VN - Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, tình trạng nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn diễn ra.

Vẫn còn tình trạng lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp

Vẫn còn tình trạng lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp

VOV.VN - Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, tình trạng nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn diễn ra.