Triệt phá đường dây phát tán hàng chục ngàn tin nhắn lừa đảo, đánh bạc ở Bắc Giang

VOV.VN - Nhóm đối tượng dùng ô tô chở máy phát sóng để phát tán hàng nghìn tin nhắn quảng cáo phục vụ cho việc đánh bạc, lừa đảo tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Ngày 13/4, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, qua công tác nắm tình hình địa bàn và trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện một nhóm đối tượng sử dụng xe ôtô, thiết bị máy móc phát sóng để phát tán các tin nhắn trái phép qua mạng viễn thông.

Nội dung của các tin nhắn này quảng cáo cho các website đánh bạc, phục vụ hoạt động đánh bạc và lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn…

Các đối tượng đã tập trung hoạt động ở những khu vực đô thị, đông dân cư, khu công nghiệp có nhiều công nhân.

Ngày 27/3 vừa qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ Nông Hữu Chiến (34 tuổi); Triệu Văn Biển (26 tuổi) cùng trú tại tỉnh Lạng Sơn khi các đối tượng đang có hành vi xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác để phát tán các tin nhắn phục vụ hoạt động đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại khu vực phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Quá trình bắt giữ, lực lượng công an thu giữ 1 máy tính xách tay HP Probook, 1 thiết bị BTS, 1 bộ phát sóng wifi di động, 1 ăng-ten, 1 bộ chuyển đổi nguồn điện và 1 xe ô tô.

Chiến và Biển khai nhận đã sử dụng các thiết bị trên để phát tán trái phép khoảng 10.000 tin nhắn tại nhiều khu vực thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Vụ việc sau đó đã được bàn giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công TP Hà Nội thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, tạm giam đối với Nông Hữu Chiến và Triệu Văn Biển về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.

Mở rộng chuyên án, ngày 7.4, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập, đấu tranh làm rõ một đối tượng sinh năm 1999 và một đối tượng sinh năm 2003, cùng trú tại tỉnh Điện Biên.

Hai đối tượng này cũng có hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác xảy ra tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Quá trình đấu tranh, Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thu giữ 1 máy tính xách tay, 1 thiết bị BTS, 1 thiết bị ăng-ten.

Lực lượng chức năng đã bàn giao hai đối tượng trên cùng tang vật đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên để điều tra theo thẩm quyền.

Quá trình đấu tranh, Ban chuyên án xác định, thiết bị thu phát sóng di động BTS (có khả năng chèn và phá sóng của các nhà mạng) được đối tượng điều khiển từ xa thông qua máy tính xách tay có thể kết nối internet để phát tán tin nhắn đến các điện thoại của người dân.

Những thiết bị này được đưa vào Việt Nam từ Campuchia thông qua đường tiểu ngạch. Sau đó, được các đối tượng móc nối đưa đến các đối tượng có hiểu biết về công nghệ để sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật.

Mỗi xe ôtô khi hoat động gồm 1 lái xe, 1 kỹ thuật, hàng ngày, chia thành 2 ca từ 10h-22h đêm và từ 22h đêm đến khi kết thúc nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo. Đối tượng cầm đầu trả công cho đối tượng kỹ thuật là 800.000 đồng/ngày, lái xe 900.000 đồng/ngày thông qua tài khoản ngân hàng “rác”.

Đối tượng cầm đầu là người nước ngoài cùng với một đối tượng người Việt Nam điều hành và một đối tượng người Việt Nam khác phụ trách tài chính đều đang ở Campuchia.

Chúng đã chỉ đạo các đối tượng người Việt Nam là nhân viên kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ mang theo bộ thiết bị gồm 1 laptop, 1 bộ phát sóng wi-fi di động, 1 máy thu phát sóng di động BTS, 1 ăng-ten và một bộ đổi nguồn điện chia thành các nhóm phát tán tin nhắn. Đến nay, lực lượng công an đã thu giữ 2 bộ thiết bị BTS và nhiều tang vật liên quan.

Thượng tá Trần Huy Việt - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bắc Giang cho biết, đây là loại tội phạm mới, nhóm đối tượng hoạt động lưu động, liên tỉnh, sử dụng công nghệ cao, trạm BTS giả mạo rất tinh vi, chuyên nghiệp. Trong đó có đối tượng điều hành, giúp sức và thực hiện hành vi phạm tội để phát tán các tin nhắn trái phép qua mạng viễn thông.

Mặc dù vậy, với phương châm, chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh và đấu tranh quyết liệt, tới cùng, lực lượng chức năng đã triệt phá, thành công chuyên án này, đưa các đối tượng ra ánh sáng pháp luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm về vấn đề xử lý sim "rác"
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm về vấn đề xử lý sim "rác"

VOV.VN - Bộ trưởng TT&TT nhận được nhiều chất vấn của ĐBQH về vấn đề sim rác. Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận “nếu nói là xử lý triệt để sim rác với nghĩa là bằng 0 thì khó có thể làm được, nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm về vấn đề xử lý sim "rác"

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm về vấn đề xử lý sim "rác"

VOV.VN - Bộ trưởng TT&TT nhận được nhiều chất vấn của ĐBQH về vấn đề sim rác. Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận “nếu nói là xử lý triệt để sim rác với nghĩa là bằng 0 thì khó có thể làm được, nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được”.

“Đang họp cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền”
“Đang họp cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền”

VOV.VN - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ điều này khi đặt vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi cung cấp cho bên bán hàng, dịch vụ.

“Đang họp cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền”

“Đang họp cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền”

VOV.VN - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ điều này khi đặt vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi cung cấp cho bên bán hàng, dịch vụ.