Bóng đá châu Á "méo mặt" dù World Cup 2022 không có bảng tử thần
VOV.VN - World Cup 2022 không có bảng tử thần nhưng bóng đá châu Á vẫn phải "méo mặt" vì Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Qatar và có thể là UAE/Australia đều rơi vào thế khó.
Không có bảng tử thần, nhưng chẳng thiếu trận cầu đinh
Trái ngược với những dự đoán trước lễ bốc thăm, World Cup 2022 không có bảng tử thần. Cả 8 bảng đấu đều xuất hiện cục diện 1-2 đội được đánh giá vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại.
Điều này đồng nghĩa với việc các tên tuổi lớn gồm: Hà Lan (bảng A), Anh (bảng B), Argentina (bảng C), Pháp (bảng D), Đức và Tây Ban Nha (bảng E), Bỉ (bảng F), Brazil (bảng G) và Bồ Đào Nha (bảng H) đều sáng cửa đi tiếp.
Anh được đánh giá là “đại gia” có kết quả bốc thăm dễ thở nhất khi nằm chung bảng với Iran, Mỹ và đội thắng trong cặp play-off Xứ Wales – Scotland/Ukraine. Trong khi đó, cuộc đối đầu giữa Đức và Tây Ban Nha tại bảng E sẽ là tâm điểm chú ý.
Tuy không có bảng tử thần, nhưng vòng bảng World Cup 2022 sẽ không thiếu những cặp đấu nhiều duyên nợ. Đặc biệt là tại bảng H, nơi Uruguay có “thù oán” với cả Bồ Đào Nha và Ghana.
Năm 2010, Uruguay đã loại Ghana tại tứ kết trong trận đấu mà tiền đạo Luis Suarez có pha dùng tay ngăn cản bóng trên vạch vôi. Năm 2018, Uruguay loại Bồ Đào Nha ở vòng 1/8 trong trận đấu mà Cristiano Ronaldo lu mờ trước cú đúp của Edinson Cavani.
Tại bảng G, Brazil, Serbia và Thuỵ Sĩ từng nằm cùng bảng ở World Cup 2018 và sẽ gặp lại nhau sau 4 năm. Ở bảng D và bảng F, cặp đấu Pháp – Đan Mạch và Bỉ - Croatia cũng hứa hẹn nhiều điều thú vị.
Ở phương diện đối đầu cá nhân, màn so tài giữa Robert Lewandowski và Lionel Messi sẽ được quan tâm đặc biệt khi Ba Lan nằm cùng bảng C với Argentina. Về phần Cristiano Ronaldo, những đối trọng tại vòng bảng sẽ là Luis Suarez, Edinson Cavani và Son Heung Min.
Bóng đá châu Á gặp khó
Hai lá cờ đầu của bóng đá châu Á tại World Cup là Nhật Bản và Hàn Quốc đều rơi vào bảng đấu khó. Nhật Bản nằm cùng bảng E với 2 “ông kẹ” Đức và Tây Ban Nha, còn Hàn Quốc bị đánh giá thấp hơn hẳn Bồ Đào Nha và Uruguay tại bảng H.
Đối thủ còn lại của Nhật Bảng tại bảng E là đội thắng trong cặp play-off giữa Costa Rica và New Zealand. Đối thủ còn lại của Hàn Quốc tại bảng H là Ghana.
Saudi Arabia rơi vào tình thế nhọc nhằn không kém khi nằm cùng bảng C với Argentina, Ba Lan và Mexico. Qatar là chủ nhà World Cup 2022 nhưng lại là đội bóng “đuối” nhất ở bảng A khi sẽ chạm trán Hà Lan, Ecuador và Senegal.
Iran là đại diện châu Á có khả năng gây bất ngờ cao nhất. Ngoại trừ Anh được đánh giá vượt trội ở bảng C, thì Mỹ và đội thắng trong cặp play-off Xứ Wales – Scotland/Ukraine chỉ nhỉnh hơn Iran chút ít.
Trong trường hợp UAE hoặc Australia vượt qua Peru ở trận play-off liên lục địa để trở thành đại diện thứ 6 của châu Á tại World Cup 2022, thì họ sẽ góp mặt tại bảng D với Pháp, Đan Mạch và Tunisia.
Với kết quả bốc thăm chia bảng World Cup 2022, bóng đá châu Á lại đang đứng trước nguy cơ không có đại diện nào vượt qua vòng bảng như ở World Cup 2014./.