“Ngọn lửa tăng trưởng vẫn phải cháy”

VOV.VN - Khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4% bằng cách tập trung vào 5 mũi giáp công.

“Ngọn lửa tăng trưởng vẫn phải cháy”, là sự kỳ vọng cũng là lời hiệu triệu, lời hứa cùng đồng lòng, chung sức với doanh nghiệp để vượt khó mà người đứng đầu Chính phủ vừa gửi tới cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

22.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2020, doanh nghiệp (DN) trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Cả nước có gần 7.900 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 93.000 tỷ đồng, giảm 47% về số DN và giảm 44% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Dệt may là một trong những ngành chịu tổn thất không nhỏ do Covid-19.

Tính chung 4 tháng đầu năm, số DN đăng ký thành lập mới giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 DN, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, gần 14.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng -3%; GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh như Mỹ - 5,9%, Anh - 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu - 7,5%. Tăng trưởng GDP quý 1/2020 của Việt Nam đạt 3,82%, nhưng Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch.

Lực lượng DN đang bị tổn thương nặng nề khi đối mặt với “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tình trạng thua lỗ; nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN có quy mô vừa và nhỏ.

Cuối tháng 4, Bộ KH-ĐT tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 DN thì có tới khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019. Một trong những khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh dẫn tới phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa gửi Thủ tướng cho biết có 7/19 tập đoàn, tổng công ty bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng. Cụ thể một số ngành lớn như hàng không đã phải nằm “đắp chiếu” trong nhiều ngày. Đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, quý I, doanh thu hợp nhất ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019, DN này lỗ 2.383 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, ngành dệt may đã xây dựng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là 42 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019 và kế hoạch 5 năm 2020-2025 tăng bình quân 6%/năm. Tuy nhiên, với tác động của dịch Covid-19, khả năng năm 2020 ngành sẽ tăng trưởng âm khoảng 5% so với năm 2019, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020.

Đồng sức, đồng lòng vượt khó, đón thời cơ

Trước bối cảnh này, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm chung tay với doanh nghiệp. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ DN như chỉ đạo xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng) và miễn giảm khoảng 20.000 tỷ đồng các loại thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân.

Doanh nghiệp trong nước chịu thiệt hại nặng nề do Covid-19.

Đặc biệt, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2020 tới. Theo đó, áp dụng thời gian thực hiện chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho DNNVV ngay từ ngày 1/7/2020, thay vì ngày 01/01/2021 như đề xuất trước đó. Nếu dự thảo Nghị quyết trên được thông qua, sẽ có khoảng 700.000 DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước, được hưởng lợi.

Bộ Công Thương cũng đề xuất 5 nội dung giải pháp về công tác tháo gỡ khó khăn cho phát triển thị trường nhằm bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước và đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của DN trong thời gian tới.

Tại hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2020 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” vừa diễn ra mới đây, người đứng đầu Chính phủ đã phủ gửi tới các bộ ngành và cộng đồng DN sự kỳ vọng cùng lời hiệu triệu cùng đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đây là lần thứ 4 hội nghị Thủ tướng đối thoại trực tiếp cộng đồng DN được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của “lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế” để tháo gỡ rào cản, mở đường cho phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, tác động của đại dịch lên kinh tế thật to lớn. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm nay, đánh dấu một cuộc suy thoái sâu nhất kể từ Đại suy thoái của những năm 1930.

Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược “mục tiêu kép”, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu để “ngọn lửa tăng trưởng vẫn phải cháy” và có thể sớm bùng lên trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đã chỉ đạo cả hệ thống phải tập trung hơn nữa việc khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%. Đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào 5 mũi giáp công: (1) thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân, (2) thu hút FDI, (3) đẩy mạnh xuất khẩu, (4) thúc đẩy đầu tư công, (5) khuyến khích tiêu dùng nội địa. Để đạt được mục tiêu đó, các ngành ở Trung ương, các địa phương, DN phải hiến kế, đề xuất với chính phủ. DN phải chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng luật pháp, thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh, và hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên