Đại dịch Covid-19 khiến V-League 2020 phải tạm dừng lần thứ 2 trong một mùa giải, nhưng sân chơi cao nhất Việt Nam còn một vấn nạn nữa mà vẫn chưa tìm ra lời giải, đó là công tác trọng tài.

V-League 2020 điêu đứng vì dịch Covid-19

Ngày 26/7, Ban Điều hành các Giải Bóng đá Chuyên nghiệp Quốc gia 2020 thông báo tạm hoãn V-League 2020 do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đây là lần thứ 2 trong mùa giải năm nay, sân chơi cao nhất Việt Nam phải tạm dừng do đại dịch này.

V-League 2020 hoãn đúng vào thời điểm căng thẳng, khi mà giai đoạn lượt đi chỉ còn 2 vòng đấu nữa. Và sau quyết định của Ban Điều hành các Giải Bóng đá Chuyên nghiệp Quốc gia 2020, Quảng Nam, SLNA, Thanh Hóa, Nam Định và Hải Phòng đã gửi công văn lên VPF muốn dừng V-League 2020.

Những đội bóng này lo ngại, dịch Covid-19 sẽ khiến V-League 2020 hoãn dài ngày giống như đợt trước sẽ khiến họ gặp khó khăn, đặc biệt là về mặt tài chính. Đó còn chưa kể đến nó sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch tập luyện và mục tiêu của ĐTQG Việt Nam trong năm 2020.

Sau khi nhận được công văn của các đội bóng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Công ty VPF đã tổ chức cuộc họp để trao đổi thông tin với truyền thông. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch VPF không chấp thuận những yêu cầu, đề xuất của 5 đội bóng trên, thậm chí còn khẳng định sẽ tổ chức nốt V-League và dự kiến kết thúc vào 31/10.

Ông Trần Anh Tú nói: “Chúng tôi quyết tâm tổ chức nốt V-League 2020, trừ khi Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền không cho phép vì dịch Covid-19. Ban tổ chức sẽ cố gắng cho giải đấu kết thúc trước 31/10. Nếu số đội muốn hủy giải tăng lên, chúng tôi đương nhiên không đồng ý. Những phản ứng hủy giải là tiêu cực và tôi hy vọng số đội muốn hủy giải sẽ không tăng lên”.

Phát biểu của ông Trần Anh Tú cứng rắn là vậy, nhưng việc V-League 2020 có thể tái khởi động trở lại được không thì vẫn chưa quyết được. Bởi hiện tại cả nước đang trong một cuộc chiến khác đó là dịch Covid-19 và chưa biết khi nào mới dập được dịch. Do đó, số phận của V-League 2020 cũng như các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn đang trong trạng thái chờ.

Vấn nạn công tác trọng tài

Trước khi dịch Covid-19 có ca mắc trong cộng đồng ở Đà Nẵng thì từ khi V-League 2020 trở lại hồi tháng 6, sân chơi cao nhất Việt Nam bị các câu lạc bộ, lãnh đạo các đội bóng và truyền thông lên án vì công tác tổ chức cũng như công tác trọng tài.

Do nhiều lãnh đạo đội bóng lên mặt báo chỉ trích đội ngũ trọng tài và Ban tổ chức, thậm chí phản ứng ngay trên sân nên trong cuộc họp báo chiều 30/7, ông Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF phát đi thông báo sẽ phạt nặng những hành vi gây ảnh hưởng tới hình ảnh của giải đấu.

Sau lời dọa nạt của vị lãnh đạo VFF, bầu Đức trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông đã bày tỏ sự không đồng tình. Vị cựu Phó Chủ tịch VFF nói rằng, VFF đòi kỷ luật là không nên mà phải lắng nghe những đóng góp từ những người có tâm với bóng đá Việt Nam.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Nam Định, ông Nguyễn Văn Sỹ trong cuộc trao đổi với VOV.VN nói rằng: “Quan điểm của tôi là còn sai, chúng tôi còn nói. Nói để giúp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam chứ sai trái mà im lặng để cho họ thích làm gì thì làm sao?”.

Nói về công tác trọng tài, khi nhiều ông vua áo đen bắt trận đấu của Nam Định bị kỷ luật vì mắc sai lầm dẫn tới ảnh hưởng kết quả trận đấu, ông Sỹ nói: “Ý kiến của tôi là nếu còn liêm sỉ thì Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền nên nghỉ trước.

Bây giờ một đội bóng cứ hết trận này trận khác bị "nhắm" vào như thế mà Trưởng ban trọng tài lại nói là do trọng tài mỏng phải làm nhiều trận, tâm lý dẫn đến sai sót. Tâm lý dẫn đến sai sót sao lại chỉ nhằm vào một đội bóng? Đó là lỗi hệ thống chứ không phải là lỗi chuyên môn”.

Điều đáng nói là sau khi trọng tài Mai Xuân Hùng bị kỷ luật vì mắc sai lầm ở trận Sài Gòn FC 3-0 Nam Định tại vòng 10 V-League 2020 thì đến vòng 11 cũng tại sân Thống Nhất, tổ trọng tài làm việc ở trận đấu này cũng mắc sai sót. Và đó là trận đấu mà Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền ngồi dự khán. Những sai lầm ở trận đấu đó khiến tổ trọng tài bị kỷ luật, bản thân CLB TPHCM bị thiệt. Trong buổi họp báo sau trận đấu, HLV Chung Hae-seong tỏ ra bức xúc với công tác trọng tài và sau đó một ngày, ông rời khỏi cương vị thuyền trưởng của đội chủ sân Thống Nhất.

Trước những sai lầm liên tiếp của trọng tài, ông Dương Văn Hiền đã lên tiếng và xin lỗi Nam Định, ông nói rằng: “Các trọng tài sai sót thường xuyên là trách nhiệm của tôi. Những trọng tài mắc sai lầm ở những trận đấu có đội Nam Định là điều đáng tiếc và tôi xin lỗi đội Nam Định vì điều đó.

Tuy nhiên, đội Nam Định cũng đã có trận đấu được hưởng lợi từ quyết định sai của trọng tài. Những sai lầm của trọng tài từ đầu mùa đến nay hoàn toàn là những sai lầm mang tính ‘con người’ chứ không hề có tiêu cực hay nhắm vào bất cứ đội bóng nào”.

Bài toán nan giải cho VFF và VPF

Có lẽ chưa bao giờ VFF và VPF lại gặp khó khăn trong khâu điều hành, tổ chức V-League như mùa giải năm nay. Nếu như những mùa giải trước nổi cộm công tác trọng tài và đều được xử lý gọi là êm xuôi thì ở mùa giải năm nay dịch Covid-19 làm đảo lộn tất cả và có thể nói V-League 2020 như đang bị dồn vào chân tường.

Dịch Coivid-19 đã đánh cắp rất nhiều thời gian của Ban tổ chức và các đội bóng khiến họ gặp nhiều khó khăn. Nếu như CLB gặp khó trong việc trả lương, các vấn đề tài chính khác thì BTC còn khó khăn hơn gấp bội khi chịu áp lực từ nhiều phía từ bản quyền truyền hình, tài trợ và những áp lực vô hình khác.

Ban tổ chức đang cố gắng tổ chức cho xong V-League 2020, Cúp Quốc gia 2020 để không bị vi phạm hợp đồng và tạo điều kiện cho ĐTQG Việt Nam có thời gian chuẩn bị tranh tài tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 thì VFF hay VPF không tự quyết định được ngày để V-League 2020 tái khởi tranh.

Tuy nhiên, ở công tác trọng tài, VFF và VPF có thể làm được và trong tầm tay của họ. Để các đội bóng không bị ức chế, không dọa bỏ giải như Nam Định thì VFF và VPF phải bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các trọng tài, đồng thời quán triệt về mặt tư tưởng để họ thổi lên những tiếng còi công tâm một cách dứt khoát.

Ông Đoàn Phú Tấn, cựu giám sát trọng tài cho rằng, nghề trọng tài rất khó và càng sợ sai thì càng dễ sai nên những người cầm cân nảy mực phải có được sự tự tin. Để có được sự tự tin thì ông Tấn góp ý rằng: “Có rất nhiều yếu tố để giúp các trọng tài có sự tự tin, thứ nhất về phía những người lãnh đạo trọng tài phải gieo cho người ta niềm tin, giúp người ta vượt qua sóng gió chứ không phải người ta gặp sóng gió thì mình muốn cho công việc trôi chảy thì vùi dập người ta để người ta không ngẩng mặt lên được nữa”.

Bên cạnh sự hỗ trợ của VFF, VPF và Ban trọng tài thì tự thân những người làm “công tác cầm cân nảy mực” phải học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, có cái đầu lạnh và trái tim nóng để tránh xa những cám dỗ, để không vì bất cứ yếu tố nào về chuyên môn chi phối mà thổi ra những tiếng còi méo. Chỉ khi làm được những việc trên thì bóng đá Việt Nam mới ngày một chuyên nghiệp hơn, để sánh vai với các cường quốc châu lục và thế giới./.

Thứ Sáu, 09:42, 14/08/2020