Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng Thừa Thiên Huế là xứ sở tràn đầy năng lượng
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế đến năm 2025 là thành phố trực thuộc Trung ương; là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung, sáng 16/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 38 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 38 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 và các nghị quyết khác.
Cùng tham dự có: Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, , Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lê Trường Lưu; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ tịch Quốc hội biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
6 tháng đầu năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,51% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung của cả nước 3,72%, xếp thứ 25/63 tỉnh/thành.
Ngành du lịch có nhiều khởi sắc, lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt khách quốc tế tăng gần 27 lần so với năm 2022. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 40% kế hoạch, nằm trong nhóm 6 Bộ ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2 sân bay Phú Bài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, Đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số PCI năm 2022 xếp vị thứ 6, tăng 2 bậc so với năm 2021; PAPI xếp vị thứ 05; PAR-INDEX xếp thứ 19. Chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả đáng khen ngợi, xây dựng đô thị thông minh hiệu quả.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội có chuyển biến tích cực. Thừa Thiên Huế đang dần trở thành một trung tâm văn hóa lớn đặc sắc của cả nước hướng đến đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Các chính sách xã hội, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thừa Thiên Huế rà soát công tác xây dựng các đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở 6 vấn đề quan trọng, trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 83 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54; Nghị quyết 38 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; chú ý sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 38.
Theo Chủ tịch Quốc hội, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Thừa Thiên Huế hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ chính trị: là trung tâm văn hóa - du lịch; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; khoa học – công nghệ; y tế chuyên sâu của cả nước, khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Kết nối Bắc-Nam, Đông-Tây.
Những dự án quan trọng được được hoàn thành kết nối các tỉnh, thành phố khác. Với những sản phẩm dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa, thiên nhiên nổi trội là sự hòa quyện của văn hóa đô thị mới văn hóa cung đình, văn hóa làng chùa dân gian người dân Thừa Thiên Huế, văn minh lịch thiệp tinh tế và rất hiếu khách, có một không hai.
"Từ đó chúng tôi mới đề nghị khơi dậy khát vọng, nuôi dưỡng khát vọng, có những cái đích để phấn đấu, từ đó thấm nhuần hơn nữa sứ mệnh, tầm nhìn có quyết tâm chính trị, cách làm đột phá hơn để phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế vào năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; đến năm 2030, là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đô thị hạt nhân cấp Vùng và tiểu vùng, một trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu.
Trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đến năm 2025 là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước, hướng tới thành phố Festival, trung tâm văn hoá - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Tôi lưu ý các đồng chí cụm từ tràn đầy năng lượng, theo hướng di sản thì ngàn năm, nhưng thành phố trẻ (Thành phố trực thuộc trung ương)".
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên Huế rà soát công tác xây dựng các đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, của Hội đồng Nhân dân các cấp; đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, quan tâm những chương trình hoạt động của Quốc hội, nhất là các chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2023, 2024; tham gia hiệu quả, đóng góp tích cực, chất lượng tại các kỳ họp sắp tới, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Thừa Thiên Huế cần thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá; xây dựng thế trận lòng dân thực sự vững chắc, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, không để bị động, bất ngờ.
Với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, sau khi nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành tham gia đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Tập đoàn xăng dầu Việt Nam trao kinh phí tặng Dự án đầu tư xây dựng mới trạm Y tế xã Bình Thành, thị xã Hương Trà.