ĐT Việt Nam thua ĐT Nhật Bản: Dừng lại để tiến lên
VOV.VN - ĐT Việt Nam dừng chân ở tứ kết, nhưng đây chỉ là quãng nghỉ để chúng ta tiến những bước dài, viết trang sử mới cho bóng đá nước nhà trong tương lai.
Nụ cười của kẻ thất bại
ĐT Việt Nam đã không thể viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình ở sân chơi Asian Cup 2019, khi thất bại 0-1 trước ĐT Nhật Bản ở trận tứ kết. Tuy nhiên, thầy trò HLV Park Hang Seo đã trở thành những nhân vật vĩ đại trong câu chuyện cổ tích của bóng đá Việt Nam kéo dài suốt hơn 1 năm qua.
Từ Thường Châu tuyết trắng, đến Jakarta nắng gió, đêm Mỹ Đình đầy sao và UAE hoa lệ, các chiến binh của thầy Park đã khiến người hâm mộ, truyền thông và giới chuyên môn châu Á phải ngả mũ thán phục vì những thành tích vĩ đại của mình.
ĐT Việt Nam đã chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo (Ảnh: Getty Images). |
12 năm trước, ĐT Việt Nam cũng giành vé vào tứ kết Asian Cup, nhưng ở thời điểm đó, chúng ta được đặc cách vì là một trong 4 nước đồng chủ nhà. Cũng ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ được xem là kẻ lót đường của giải đấu, việc lọt vào tứ kết chỉ mang tính bộc phát, nhất thời.
Bởi vậy, mới có chuyện thất bại 0-2 của Việt Nam trước Iraq, đội sau này lên ngôi vô địch nhanh chóng bị quên trong khối óc của những người hâm mộ bóng đá châu Á. Với người hâm mộ Việt Nam, đó là thất bại xứng đáng vì chúng ta thua trên mọi phương diện.
12 năm sau, cũng tại sân chơi này, cũng ở vòng tứ kết, nhưng Việt Nam đã ở vị thế khác hẳn. Chúng ta là những người giành vé chính thức, thắng vòng 1/8 ấn tượng trước Jordan, mang trên vai sứ mệnh là “anh cả” của khu vực Đông Nam Á.
Từ vị thế đó, sứ mệnh đó, ĐT Việt Nam đã đá một trận ra trò với người Nhật. Cần phải lưu ý rằng, Nhật Bản là đội bóng giàu thành tích nhất châu Á (4 lần vô địch), liên tục dự World Cup từ năm 1998, nhưng khi đá với Việt Nam vẫn bị run và cuống, điều chưa từng có trong lịch sử.
Những “Chiến binh sao vàng” đá hay đến nỗi người hâm mộ, chuyên gia trong nước không thể tin vào mắt mình. Màn trình tuyệt vời ở sân khấu Rashid Al-Maktoum cũng nhận được vô số những lời khen từ bạn bè khu vực, truyền thông Hàn Quốc, Nhật Bản và cả châu Á.
ĐT Việt Nam thất bại 0-1 trước ĐT Nhật Bản, nhưng chúng ta chỉ thua họ vì công nghệ VAR chứ không thua về kỹ chiến thuật và sự nhiệt huyết. ĐT Việt Nam thua cuộc, nhưng các cầu thủ và người hâm mộ bóng đá nước nhà không buồn, thậm chí còn nở nụ cười và nghĩ về tương lai tươi sáng ở phía trước.
Dừng lại để bước tiếp
Trong lịch sử, Việt Nam nhiều lần gục ngã trước Thái Lan, thua Singapore, Malaysia và cả Indonesia. Ở đấu trường châu lục, chúng ta cũng thường xuyên về nước sớm sau những trận thua đậm. Tất nhiên, người hâm mộ nước nhà không thể "tiêu hóa" thất bại của đội tuyển, họ tức giận và thậm chí có người cạch mặt không thèm xem bóng đá nội.
Tuy nhiên, kể từ khi HLV Park Hang Seo đến Việt Nam ngồi vào chiếc ghế nóng mà HLV Nguyễn Hữu Thắng để lại sau SEA Games 2017, bóng đá Việt Nam đã khoác lên mình một diện mạo khác. Chúng ta tạo nên cơn đại địa chấn ở Thường Châu, viết chuyện cổ tích ở Indonesia khi vào bán kết Asiad và nâng cao chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi. Tất nhiên, không thể không kể đến chiến dịch Asian Cup 2019 thành công ngoài mong đợi trên đất UAE.
Hơn 1 năm qua bóng đá đã mang lại cho người hâm mộ Việt Nam nhiều niềm vui và niềm tin (Ảnh: Getty Images). |
Nếu thành công đến một lần, hai lần người ta gọi đó là bất ngờ, là kỳ tích. Nhưng, trong hơn một năm qua, chúng ta liên tục gặt hái được thành công nên sẽ đúng hơn khi gọi đó là chiến thắng của trình độ, của đẳng cấp. Nói như BLV Quang Huy và một số nhà chuyên môn khác ở Việt Nam, bóng đá của chúng ta đang phát triển và dần tiệm cận với trình độ châu lục.
Nhìn cách Văn Lâm cứu thua, Ngọc Hải tắc bóng, Quang Hải chuyền bóng và Công Phượng rê bóng trước những đối thủ hàng đầu châu Á, quả thực trình độ và đẳng cấp của các cầu thủ Việt Nam không thua kém nhiều so với các ngôi sao đang chơi bóng ở châu Âu của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran. Có chăng chúng ta chỉ thua về chiều cao và thể lực mà thôi.
Trước khi HLV Park Hang Seo đến Hà Nội ký hợp đồng, bóng đá Việt Nam gây thất vọng lớn, khi không thể giành được tấm HCV SEA Games. Đây là hệ quả tất yếu, khi chúng ta có những con người tốt, nhưng lại không có chiến thuật, đấu pháp và lối chơi hợp lý.
HLV Hữu Thắng và các huấn luyện viên trước đó thất bại vì muốn biến U22 Việt Nam, ĐT Việt Nam thành Arsenal, thành Barca. Còn với thầy Park, ông biến Việt Nam thành một chiếc xe buýt 2 tầng, thậm chí là 3 tầng. Chiếc xe buýt này chạy bằng gì ư? Nó chạy bằng tình yêu, sự quyết tâm, lòng dũng cảm, mồ hôi thậm chí là cả máu của các cầu thủ.
HLV Park Hang Seo biến các học trò thành các chiến binh (Ảnh: Getty Images). |
Thầy Park đã biến những "nghệ sĩ" Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng, những "công nhân" như Trọng Hoàng, Đức Huy, Đức Chinh hay những người cần cù như Ngọc Hải, Duy Mạnh, Hùng Dũng và Văn Đức... thành một thể thống nhất, biết chiến đấu vì tập thể, hy sinh vì nhau.
Bóng đá Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ tài năng. Chúng ta đã góp mặt ở VCK U20 Wolrd Cup, vào chung kết U23 châu Á, bán kết Asiad, tứ kết Asian Cup 2019 và vô địch khu vực Đông Nam Á. Đây là thành quả của việc chúng ta xây nhà từ móng, chú trọng tới công tác đào tạo trẻ, cho ra lò những cầu thủ vừa có tài lại vừa có đức.
Sau thời gian lạc lối, bóng đá Việt Nam đang đi đúng hướng, chọn đúng con đường. Con đường này sẽ đưa chúng ta lọt vào hàng ngũ những đội bóng mạnh của châu lục, sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với giấc mơ World Cup. Tuy nhiên, để rút ngắn con đường này, đi đến đích nhanh nhất, bóng đá Việt Nam cần sự chung tay của chính phủ, của những ông bầu và của toàn xã hội.
Còn tại thời điểm này, dù ĐT Việt Nam dừng bước trước ĐT Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019, nhưng đây chỉ là quãng nghỉ tạm thời, để chúng ta lấy động lực bước tiếp. Nếu nhận được tình yêu, sự chung tay của toàn xã hội, đó chắc chắn là những bước đi dài và bền vững hơn bao giờ hết của bóng đá Việt Nam./.