Bất cập chuyện biệt phái giáo viên ở Bình Thuận

VOV.VN - Từ năm học 2015-2016, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT và các địa phương về công tác biệt phái giáo viên bậc THPT vượt định mức cơ cấu bộ môn về dạy các trường THCS. Tuy nhiên, công tác này trên địa bàn còn nhiều bất cập.

Biệt phái giáo viên từ chỗ thừa về nơi thiếu  

Thầy Lư Sĩ Pháp là giáo viên môn Toán của Trường THPT Tuy Phong, thuộc huyện Tuy Phong. Do bộ môn Toán của trường đang dôi dư giáo viên nên từ tháng 1/2021 nên thầy Pháp nhận quyết định biệt phái, về giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“Nếu mình không đi năm nay thì năm sau mình đi, như năm vừa rồi thì Toán với Lý đi. Những bộ môn dư giáo viên và ở trường cấp II họ có yêu cầu tăng cường. Sau đó về phía nhà trường và tổ sẽ lập danh sách giáo viên đi. Hy vọng sau khi kết thúc thời gian biệt phái về lại trường thì không còn ai đi biệt phái nữa. Đi biệt phái làm tâm lý giáo viên không yên tâm để dạy”, thầy Lư Sĩ Pháp cho hay.

Để bố trí lại đội ngũ giáo viên THPT vượt định mức cơ cấu bộ môn, ngày 24/11/2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn số 4271 về việc biệt phái giáo viên bậc THPT ở những bộ môn dôi dư giáo viên về dạy các trường THCS. Tất cả giáo viên thuộc các bộ môn vượt định mức tại các Trường THPT đều là đối tượng biệt phái và phải thực hiện luân phiên.

Việc chọn cử giáo viên đi biệt phải được thực hiện theo quy trình, thời hạn biệt phái là 3 năm đối với giáo viên nam và 2 năm với giáo viên nữ. Hết thời hạn biệt phái, giáo viên được bố trí về lại đơn vị cũ, đồng thời, đơn vị Trường THPT này phải chọn cử giáo viên khác để tiếp tục biệt phái đến khi cơ cấu giáo viên bộ môn trở về đủ theo định mức.

Ngoài việc chọn cử biệt phái giáo viên bậc THPT dôi dư do vượt định mức cơ cấu bộ môn sang giảng dạy bậc THCS trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo chủ trương của UBND tỉnh, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có kế hoạch biệt phái giáo viên bậc THPT sang giảng dạy tại các trường THPT nhằm giải quyết số giáo viên dôi dư cấp THPT phù hợp với nhu cầu về đội ngũ nhằm đảm bảo đồng bộ cơ cấu bộ môn và chỉ tiêu biên chế, quỹ tiền lương được giao hàng năm tại các đơn vị.      

Thầy Nguyễn Thành Trung – giáo viên dạy môn Hoá của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình) nhận quyết định biệt phái về Trường THPT Bùi Thị Xuân (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) năm học 2020 – 2021. Nhưng vì lý do hoàn cảnh gia đình nên thầy Trung đã làm đơn xin tạm hoãn thực hiện việc biệt phái trong năm học 2021- 2022 này.

“Tôi đi được 1 năm sau đó xin tạm hoãn (trong năm 2021-2022). Nếu tạm hoãn thì theo quy định năm tới phải tiếp tục đi lại. Còn việc ở lại hay đi tiếp là do sở quyết định”, thầy Nguyễn Thành Trung nói.  

Từ năm 2017 đến nay, Trường THPT Bùi Thị Xuân (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) đã nhận 15 giáo viên biệt phái từ các nơi về. Về phía trường, tuy không có nhu cầu nhận giáo viên biệt phái nhưng vì là chủ trương chung của tỉnh nên phải tiến hành.

Thầy Trần Đức Chiền – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) cho biết: “Về tổng thể, trường Bùi Thị Xuân không thiếu cũng không thừa, về cơ bản là khá đủ, chỉ thiếu 1 – 2 tiết thôi. Trong tình hình chung của Sở khi điều chuyển giáo viên về đây, biệt phái về đây thì trường chỉ tiếp nhận thôi chứ không có nhu cầu xin thêm”.

 Biệt phái cả giáo viên từ nơi dư sang nơi thừa

Thầy Võ Hoài Khiêm - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình) cho biết, từ 2016 đến nay, nhà trường có 4 giáo viên được biệt phái, trong đó có 2 giáo viên đã đủ thời gian biệt phái và quay lại trường.

“Trong năm học vừa rồi, trường có nhận 1 giáo viên biệt phái từ Trường THPT Bắc Bình, là do ở Bắc Bình dư 2 giáo viên môn Sinh, trong khi đó, ở đây cũng thừa giáo viên môn Sinh. Mặc dù trên đây vẫn dư, nhưng dưới đó nó dư nhiều hơn nên chia sẻ bớt, gồng gánh số giáo viên dôi dư”, thầy Võ Hoài Khiêm cho biết. 

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 28 trường THPT, trong đó có 2 trường ngoài công lập. Năm học 2021-2022 có hơn 34.000 học sinh cấp III và hơn 2.200 giáo viên. Từ năm 2016 đến nay, có gần 90 giáo viên THPT được biệt phái. Ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết, việc luân chuyển giáo viên này là do áp lực về biên chế, tỉnh không cho tuyển mới, còn việc thừa hay thiếu giáo viên bộ môn nào thì chưa được tính đến.

“Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ 1 lớp là 2,25 giáo viên, Sở Nội vụ cứ nhân lên. Về mặt cơ cấu từng bộ môn thì cục bộ, môn thừa môn thiếu. Nếu môn nào cũng thiếu hết thì giáo viên dạy dư giờ họ được hưởng. Quy định 1 tuần giáo viên dạy 17 tiết, họ dạy lên 18 tiết thì họ hưởng 1 tiết, nhưng hiện nay Sở Tài chính không cho, buộc mình phải làm động tác này”, ông Phan Đoàn Thái chia sẻ.

Việc biệt phái giáo viên bậc THPT vượt định mức cơ cấu bộ môn sang các trường THCS, THPT khác trong tỉnh Bình Thuận nhằm giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên cục bộ. Tuy nhiên, chính sách này trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được điều chỉnh, trong đó có việc bảo đảm chế độ cho giáo viên biệt phái để họ yên tâm bám trụ với nghề./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghệ An phát hiện 20 viên chức giáo dục biệt phái sai quy định
Nghệ An phát hiện 20 viên chức giáo dục biệt phái sai quy định

VOV.VN - Sở Nội vụ Nghệ An vừa có kết quả báo cáo tình hình điều động viên chức biệt phái về phòng giáo dục và đào tạo các huyện. 

Nghệ An phát hiện 20 viên chức giáo dục biệt phái sai quy định

Nghệ An phát hiện 20 viên chức giáo dục biệt phái sai quy định

VOV.VN - Sở Nội vụ Nghệ An vừa có kết quả báo cáo tình hình điều động viên chức biệt phái về phòng giáo dục và đào tạo các huyện. 

Nghịch lý đủ số lượng giáo viên nhưng vẫn thừa, thiếu về cơ cấu cấp
Nghịch lý đủ số lượng giáo viên nhưng vẫn thừa, thiếu về cơ cấu cấp

VOV.VN - Cả nước có trên 1,1triệu giáo viên mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, về cơ cấu các cấp, bậc học vừa thừa, vừa thiếu giáo viên.

Nghịch lý đủ số lượng giáo viên nhưng vẫn thừa, thiếu về cơ cấu cấp

Nghịch lý đủ số lượng giáo viên nhưng vẫn thừa, thiếu về cơ cấu cấp

VOV.VN - Cả nước có trên 1,1triệu giáo viên mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, về cơ cấu các cấp, bậc học vừa thừa, vừa thiếu giáo viên.