6 kịch bản chiến sự Nga-Ukraine sau khi Kiev phản công
VOV.VN - Các nhà phân tích đã dự đoán 6 kịch bản có thể diễn ra tiếp theo đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine sau khi Kiev tiến hành cuộc phản công lớn.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn diễn ra ác liệt trong suốt 16 tháng qua mà không có bất cứ triển vọng nào về một giải pháp hòa bình. Hàng nghìn binh sỹ đã thiệt mạng, nhiều thành phố rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát, hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Sau nhiều tháng ròng lên kế hoạch và tích lũy vũ khí của phương Tây, Ukraine cuối cùng đã phát động cuộc phản công nhằm đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ. Vẫn còn quá sớm để xác định liệu cuộc phản công của Ukraine có thành công hay không, nhưng chắc chắn xu hướng của cuộc xung đột sẽ phụ thuộc vào cuộc phản công này, ông Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.
Khi cuộc chiến trên bộ lớn nhất tại châu Âu kể từ năm 1945 đang bước vào giai đoạn mới, các nhà phân tích đã dự đoán 6 kịch bản có thể diễn ra tiếp theo.
Lệnh ngừng bắn
Theo nhà phân tích Seth Jones, giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột sẽ phụ thuộc vào việc liệu Ukraine có thể giành lại các vùng lãnh thổ đã mất trong thời gian ngắn hay không. Nếu cuộc phản công của Ukraine diễn ra một cách chậm chạp, các nước phương Tây có thể gây sức ép buộc Kiev phải đàm phán với Nga về một thỏa thuận mà họ không mong muốn. Trái lại, nếu Ukraine có thể giảm diện tích lãnh thổ do Nga nắm giữ từ 20% ở hiện tại xuống còn 10 hoặc 15% thì khả năng đàm phán sẽ thấp hơn. Các cuộc đàm phán có thể mang lại một lệnh ngừng bắn tạm thời và cuối cùng dẫn tới hiệp định đình chiến tương tự như chiến tranh liên Triều.
“Đây không phải là sự kết thúc hoàn toàn xung đột mà chỉ là sự giảm cường độ giao tranh ở mức thấp nhất. Với hiệp định này, xung đột Nga-Urkaine sẽ trở thành một cuộc xung đột đóng băng, có thể nóng lên hoặc hạ nhiệt bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Seth Jones lưu ý.
Theo kịch bản này, Nga có thể hy vọng Mỹ và các nước phương Tây sẽ không chú trọng nhiều vào cuộc xung đột và cuối cùng giảm sự ủng hộ dành cho Ukraine. Điều đó sẽ giúp thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho Nga.
Thỏa thuận hòa bình
Ông Seth Jones cho rằng, xung đột cũng có khả năng kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình nhưng đáng chú ý là “Tổng thống Putin đang dấn quá sâu vào cuộc chiến này”.
“Ông Putin đã đổ quá nhiều nguồn lực quân sự vì thế ông ấy khó có thể rút quân mà không đạt được những thành công rõ ràng”. Vẫn chưa rõ thành công của chiến dịch quân sự đặc biệt được Tổng thống Putin xác định như thế nào, nhưng nhà phân tích Seth Jones cho rằng, ông có thể chấp nhận việc Nga giữ các phần lãnh thổ mà nước này đang kiểm soát ở phía Đông và phía Nam Ukraine.
Câu hỏi phức tạp hơn là Ukraine có sẵn sàng từ bỏ những gì trong một thỏa thuận hòa bình. Tổng thống Zelensky từng tuyên bố mục tiêu của nước này là giành lại tất cả các khu vực do Nga kiểm soát, trong đó có cả bán đảo Crimea.
“Tôi cho rằng các bên rất khó đạt được thỏa thuận hòa bình ở thời điểm này. Đối với Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky, việc phải chấp nhận bất cứ hình thức nhượng bộ nào không khác gì sự tự sát về mặt chính trị”.
Mục tiêu sâu xa của Nga
Ngoại trưởng Nga Lavrov từng tuyên bố mục tiêu của nước này khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt là “ngăn Ukraine gia nhập NATO, bảo vệ người dân Donbass, loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Nhưng theo giới phân tích, mục tiêu sâu xa hơn của chiến dịch quân sự đặc biệt là đưa Ukraine trở lại phạm vi ảnh hưởng của Nga nhằm tạo sức mạnh đối trọng với NATO, tái thiết lập vùng đệm an ninh giữa Nga và phương Tây, như chiến lược trước đây Liên Xô từng theo đuổi.
Mặc dù các mục tiêu này rất khó đạt được, nhưng Nga có thể chấp nhận một “chiến thắng” dưới hình thức thỏa thuận hòa bình, theo đó, họ sẽ nắm giữ nhiều lãnh thổ hơn so với với điểm trước khi xung đột nổ ra.
Hiện tại, Nga đang tạm hoãn các đợt tấn công lớn và lui về thế phòng thủ vì thương vong của họ trong trận chiến giành Bakhmut khá lớn. Mục tiêu trước mắt của Nga có thể là củng cố tuyến phòng thủ tại các vùng lãnh thổ mà nước này nắm giữ nhằm ngăn Ukraine tái chiếm, ông Seth Jones lưu ý.
Ukraine phản công thành công
Các nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng Ukraine sẽ giành được lợi thế ở các khu vực Lugansk, Donetsk ở phía Đông và Zaporizhzhia ở phía Nam sau khi tiến hành phản công. “Ukraine có thể đạt được bước tiến lớn, nhưng mục tiêu đẩy lùi Nga ra khỏi tất cả các vùng lãnh thổ sẽ rất khó khăn”, ông Seth Jones lưu ý. Dù thiệt hại nặng nề do giao tranh và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng các lực lượng Nga không có dấu hiệu lùi bước.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng, thành công của Ukraine có thể được xác định theo 2 cách: một là quân đội Ukraine giành được những vùng lãnh thổ quan trọng từ tay Nga, hai là Kiev giáng đòn nặng nề tới mức buộc Điện Kremlin phải đặt câu hỏi về tương lai chiến dịch quân sự đặc biệt. Kịch bản này nhiều khả năng sẽ làm gia tăng sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine.
Xung đột kéo dài
Một khả năng khác là giao tranh sẽ tiếp diễn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm mà không bên nào giành được thắng lợi. Khi đó, xung đột sẽ trở thành cuộc chiến tiêu hao. Với kịch bản này, cả hai bên sẽ phải tìm cách làm tiêu hao sinh lực của đối phương. Trong một cuộc chiến tiêu hao, bên nào có khả năng cầm cự, duy trì thế trận lâu hơn, bên đó sẽ có lợi thế hơn.
Hồi tháng 5 vừa qua, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng, xung đột có thể kéo dài nhiều thập kỷ vì Nga sẽ đấu tranh đến cùng để đạt được các mục tiêu quân sự của nước này.
Chiến tranh hạt nhân hoặc NATO can thiệp
Tổng thống Putin từng ám chỉ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước khi tuyên bố sẽ "sử dụng tất cả phương tiện sẵn có để chống lại mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của mình". Nhiều nước phương Tây và các chuyên gia vẫn đang tranh luận về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa này.
Nhà phân tích Jones cho rằng, nếu Nga phải đối mặt với một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn, Tổng thống Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường. Nhưng điều này có thể tạo ra những rủi ro lớn hơn nhiều so với lợi ích mà Nga có được.
“Có rất nhiều rủi ro về mặt chính trị và ngoại giao đối với Nga liên quan đến việc sử dụng vũ khí cấm kỵ này”, ông Jones nhấn mạnh
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan từng cảnh báo đanh thép với Nga rằng. “Nếu Moscow vượt qua giới hạn này, họ sẽ phải chịu hậu quả thảm khốc. Mỹ sẽ đáp trả dứt khoát”.
Vẫn chưa rõ trong kịch bản này liệu NATO có can dự trực tiếp vào cuộc xung đột hay không. Nhưng một quan chức cấp cao của NATO cho biết, một cuộc tấn công hạt nhân của Nga sẽ khiến NATO đưa ra “phản ứng vật lý”.
Nhưng theo ông Jones, nếu NATO tuyên chiến với Nga thì điều này có thể dẫn tới một cuộc xung đột lớn hơn vượt ngoài tầm kiểm soát, thậm chí kéo théo sự can dự của Trung Quốc. Đây là kịch bản mà NATO luôn muốn tránh. Có lẽ, lựa chọn phù hợp nhất với NATO là gia tăng trừng phạt Nga và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine./.