Hội nghị văn hóa toàn quốc: Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc trao đổi với báo chí trước thềm Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, hội nghị sẽ nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc trao đổi với báo chí trước thềm Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

PV: Thưa Bộ trưởng, Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức lần này có ý nghĩa như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Năm 2021 là năm đất nước có rất nhiều sự kiện chính trị hết sức quan trọng. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước 10 năm mà Nghị quyết Đại hội đã xác định.

Tại Đại hội 13, Đảng đã hoạch định đường lối phát triển đất nước đến năm 2030 nhân 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày khai sinh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đặt ra một mục tiêu: Đất nước ta thời điểm đó phải là một đất nước công nghiệp phát triển.

Đồng thời, ngoài ý nghĩa là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đảng, chúng ta cũng nhìn thấy tình hình trong nước và thế giới có những thuận lợi và thách thức đan xen. Đất nước phải đối mặt với đại dịch COVID-19 mà từ tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã gây ra nhiều thiệt hại rất lớn, trong đó có ngành văn hóa – thể thao và du lịch.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nói, từ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, đến Nghị quyết của BCH Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội đến các chương trình cụ thể của Chính phủ, cùng với sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân, đến thời điểm này, chúng ta đã từng bước kiểm soát đẩy lùi dịch bệnh để đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới theo hướng thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả.

Một đặc điểm thứ ba của năm 2021 nữa là trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết phải gắn liền với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của quê hương. Trong đó, năm 2021, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Chính vì vậy, đặt ra một yêu cầu là Bộ VHTT&DL phải chủ động tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, sau đó, được Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho các ban Đảng, cho các tổ chức có liên quan để tích cực tổ chức các hoạt động nhằm triển khai sớm Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa.

Theo đó, chúng ta tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc mà mục tiêu quan trọng xuyên suốt của nó là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về văn hóa. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của tất cả các tổ chức Đảng dưới sự điều hành lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Hội nghị này cũng có tính chất lịch sử.

PV: Nội dung xuyên suốt của Hội nghị sẽ bàn về những vấn đề gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức lần này, chúng ta thấy được sự quan tâm rất lớn của Trung ương Đảng, của Chính phủ, Quốc hội, mà trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề văn hóa. Sự quan tâm đó có cơ sở lý luận và thực tiễn. Vì các văn kiện của Đảng đều khẳng định, phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế. Coi văn hóa là động lực tinh thần để phát triển, là một trong 4 trụ cột mà khi nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 13 nói rất rõ về nội dung này.

Chính vì vậy, quy mô của hội nghị được tổ chức khá lớn. Từ tính chất là toàn quốc, ngoài việc tổ chức tại hội trường Diên Hồng với số lượng gần 600 đại biểu, gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, văn nghệ sĩ, các tổ chức chính trị xã hội có điều kiện và được lựa chọn để dự hội nghị ở điểm cầu Hà Nội, còn phải nối đến các điểm cầu của các địa phương trong cả nước. Mà trong đó là điểm cầu của các tỉnh, thành ủy với quy mô là tập thể Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh, các cơ quan ban ngành đoàn thể cấp tỉnh. Ban chỉ đạo hội nghị còn mong muốn, triệt để sử dụng sức mạnh của CNTT để nối cầu đến các xã, phường, thị trấn toàn quốc.

Nội dung trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị lần này là dẫn luận, hệ thống lại quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về vấn đề văn hóa; nhìn lại một cách sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về lĩnh vực văn hóa, chúng ta đạt được những thành tựu gì, đang gặp khó khăn, yếu kém gì, rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để từ đó nhận thức đúng và hành động đẹp.

Từ nhận thức có tính chất hệ thống về các quan điểm, đường lối của Đảng, nhìn lại thực tiễn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng ta, ở góc độ văn hóa, yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là gì. Trên một trục xuyên suốt đó là phải phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Trọng tâm chính là chúng ta phải khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước của chúng ta hùng cường.

Văn hóa phải bắt đầu từ cơ sở

PV: Chúng ta có thể kỳ vọng gì sau Hội nghị?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Báo chí, những nhà làm văn hóa, thực hành văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ, thế hệ cán bộ lãnh đạo, nói rộng ra là toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chúng ta mong muốn, sau hội nghị, chúng ta phải nhận thức đúng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa. Khi và chỉ khi chúng ta nhận thức đầy đủ, có hệ thống, và nâng tầm nhận thức của mỗi một cán bộ Đảng viên thì chúng ta mới có điều kiện để thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, mới không bị đi chệch hướng, mới phát huy đầy đủ nội hàm xây dựng nền văn hóa chúng ta đang hướng đến, đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đó là biết tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại trong quá trình tiếp biến văn hóa. Chúng ta phải chủ động khắc phục tác động của văn hóa ngoại lai, những ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình tiếp biến văn hóa mà chúng ta đang quan ngại.

Sau hội nghị, chúng ta phải xác lập và xây dựng hệ sinh thái văn hóa, mà bao trùm xuyên suốt là phải xây dựng môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa có thể nói rất rộng. Vì vậy, chúng ta phải tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực, phải ưu tiên trong vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân. Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Vậy phải xây dựng môi trường này như thế nào để đảm bảo được hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa.

Đó là văn hóa phải bắt đầu từ cơ sở, được hình thành, được hun đúc từ ngàn năm nay. Chúng ta phải biết phát huy và giữ gìn nó bằng việc trở lại để làm thực chất hơn, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ khu dân cư, từ các cơ quan đơn vị, để đó thực sự là một môi trường văn hóa, con người được hoạt động trong môi trường đó. Sau Hội nghị, chúng ta phải thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra, đó là con người yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước và sáng tạo.

Không thể xây dựng con người theo hướng là chỉ có một số giải pháp mà đặt con người trong tổng thể vừa là nhân vật trung tâm, vừa là chủ thể để xây dựng văn hóa và ngược lại, văn hóa hình thành nên những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, con người của thời đại hội nhập, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đấy chính là những điều chúng ta đang kỳ vọng ở Hội nghị và sau Hội nghị.

PV: Phát triển văn hóa là một nhiệm vụ chiến lược lớn hướng đến các mục tiêu căn bản là phát triển xã hội. Trong giai đoạn 2021 - 2030, các mục tiêu chúng ta cần tiếp tục thực hiện là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ nhận thức, quan điểm của Đảng về văn hóa và kế thừa những kết quả đã đạt được qua các chiến lược trước đây, lần này chúng tôi không có tham vọng vượt ra ngoài mà chỉ cố gắng tìm kiếm, tháo gỡ những vấn đề khó khăn để đưa chiến lược vào hoạt động.

Đầu tiên là nâng cao nhận thức một cách đầy đủ nhất về các quan điểm của Đảng để tuyên truyền, xây dựng, phát triển văn hóa. Phải chuyển hóa được nhận thức trong nhân dân thì chúng ta mới có điều kiện để thực hành văn hóa, vì nhân dân là chủ thể.

Nhiệm vụ thứ hai, thay vì làm văn hóa, chúng ta chuyển sang quản lý Nhà nước về văn hóa. Muốn quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa thì phải hoàn thiện về thể chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý.

Ngành văn hóa phải rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng để xem ở lĩnh vực nào chúng ta đang thiếu, cần phải bổ sung, hoàn thiện, phát hiện những điểm nghẽn trong đó để xây dựng những quy định, cụ thể hơn hơn là các luật, nghị định, thông tư… Xây dựng luật không phải chỉ là công cụ quản lý mà tạo ra động lực phát triển. 

Nhiệm vụ thứ ba là xây dựng môi trường văn hóa để tạo ra động lực phát triển cho đất nước và khả năng hội nhập, vừa toàn diện nhưng phải có điểm nhấn.

Thứ tư, cần nâng cao chất lượng hoạt động hiệu quả của văn hóa. Trong lĩnh vực hoạt động bao gồm cả hoạt động của văn học nghệ thuật với tư cách bồi dưỡng, xây dựng những giá trị chân thiện mỹ để hướng con người đi theo một quy luật riêng. Phải tôn trọng, giữ gìn, phát huy bản sắc riêng của dân tộc, của cộng đồng 54 dân tộc anh em, phong phú đa dạng nhưng trong một chỉnh thể thống nhất. Phải nâng cao chất lượng của đoàn nghệ thuật, trung tâm lớn nghệ thuật quốc gia. Suy rộng ra, có những vấn đề nghệ thuật mang tính hàn lâm phải được phổ biến, nhưng cũng phải chú ý đến văn hóa quần chúng. Đó là các phong trào để bổ sung, làm phong phú thêm cho văn hóa và hoạt động nghệ thuật.

Nhiệm vụ tiếp theo, chúng ta phải có trách nhiệm tôn trọng, giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa Việt Nam. Làm như vậy thì nó mới tác động ngược lại đến con người, nối con người từ quá khứ đến hiện tại, góp phần xây dựng văn hóa từ nguồn cốt của dân tộc.

Lâu nay chỉ có một biểu hiện trong nhận thức đó là văn hóa chỉ là văn nghệ hay văn hóa là nghệ thuật. Điều này đúng nhưng không đủ. Vì vậy chúng tôi phải tập trung cho các nhóm ngành văn hóa. Tất nhiên lĩnh vực này chưa đạt được. Nhưng yêu cầu cho chiến lược đặt ra là, sắp tới khi chúng tôi triển khai phải đạt 7% GDP. Nhìn ra các quốc gia, họ đang phát triển văn hóa, Hàn Quốc, Nhật Bản là những điển hình và chúng ta cũng có điều kiện để làm.

Tiếp theo là chúng ta phải hội nhập, tăng cường giao lưu, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài mà lâu nay chúng ta đã làm. Đó là các tuần văn hóa, ngày văn hóa nhưng lần này trong quan điểm hội nhập, chúng tôi nhấn mạnh nhiều hơn những kiều bào Việt Nam, chính họ mới là chủ thể và thông qua con người Việt Nam cụ thể ở đấy. Đồng thời cũng phải biết tiếp thu, chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại. Quan điểm của Đảng nói rất rõ là xây dựng con người sáng tạo, đủ kỹ năng để hội nhập quốc tế và hội nhập nhưng không hòa tan.

Một điểm tiếp theo là tạo nguồn nhân lực. Để làm văn hóa phải có đội ngũ, bao gồm người quản lý văn hóa, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ… Xét lại đội ngũ cơ cấu thì chúng ta chưa hoàn thiện, tất nhiên không chỉ văn hóa mà tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực xây dựng, nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung thực hành tốt công việc, trong đó có yêu cầu với cán bộ giảng dạy trên tinh thần tự soi tự xử và trên tinh thần đi đầu, thực hiện chủ trương nêu gương của Đảng và Nhà nước.

Phải được đầu tư, tìm kiếm các nguồn lực từ Nhà nước, xã hội hóa, làm sao để huy động sức mạnh của toàn xã hội trong vấn đề bảo toàn văn hóa.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

VOV.VN - Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

VOV.VN - Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN
Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN

VOV.VN - Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN lần thứ 16 thông qua nhiều văn kiện quan trọng.

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN

VOV.VN - Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN lần thứ 16 thông qua nhiều văn kiện quan trọng.

Khai mạc Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
Khai mạc Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN

VOV.VN - Hội nghị tập trung xem xét việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 và một số vấn đề liên quan.

Khai mạc Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN

Khai mạc Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN

VOV.VN - Hội nghị tập trung xem xét việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 và một số vấn đề liên quan.