“Thiếu việc làm, thắt lưng buộc bụng thì lấy đâu tiêu dùng”
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị có giải pháp cụ thể hơn để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, gỡ những vướng mắc đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính phủ đã nhận diện đúng thực trạng
Phát biểu tại tổ, sáng 25/5, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng báo cáo của Chính phủ đã nhận diện đúng thực trạng. Khó khăn của những tháng đầu năm 2023 là không bất ngờ vì đã được lường trước thì khi bàn kịch bản phát triển năm 2023, khi mà tác động tiêu cực của đại dịch đến giai đoạn “mã hồi” và nhiều yếu tố bên ngoài. Nền ninh tế của nước ta có độ mở lớn nên cũng “trồi sụt” tương ứng với thế giới. Do đó, ông cho rằng phải có cách nhìn khách quan.
Dẫn số liệu cho thấy số DN đăng ký giảm, số công nhân đăng ký thất nghiệp tăng, như ngày 23/5 vừa qua, có trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm tiếp nhận tới 22 nghìn hồ sơ. Có tiểu thương ở chợ Bến Thành cho biết có thời điểm 2 tuần không bán được mẩu hàng nào.
“Cầu giảm, việc làm không có, thắt lưng buộc bụng thì lấy đâu tiêu dùng. Vậy mà trong khi đó dự án cổng chào, tượng đài vẫn được triển khai!” – ông Lê Thanh Vân nói.
Dành phần lớn thời gian phân tích nguyên nhân, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng có vấn đề về chất lượng thể chế, chính sách pháp luật. Bên cạnh đó là chất lượng cán bộ. “Ông chủ tịch này ủng hộ dự án, ông sau “quay”, thu hồi dự án trong khi DN đầu tư cả trăm tỷ đồng thì chết, trong khi lâu dài là phải nuôi dưỡng DN dân tộc bởi họ là lực lượng sản xuất chính”.
“Kinh tế vĩ mô khá đau đầu lúc này, nhưng không vì thế mà không lạc quan. Chúng ta có thể bứt phá nhưng điều kiện phải có giải pháp thích hợp” – ông Lê Thanh Vân bày tỏ và kiến nghị 7 giải pháp.
Trong đó nhấn mạnh giải pháp nâng cao năng lực trong nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp start up... “Sai thì “đánh” cho họ chừa, không “đánh” cho họ khiếp vì có cái vướng mắc ở chính sách không ổn định”.
Đề cập cải cách thể chế, ông Lê Thanh Vân đề nghị có Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế để tạo sự thống nhất, xuyên suốt; tập trung 3 khâu đột phá: tổ chức nhân sự, thể chế kinh tế và thể chế văn hoá.
Bên cạnh đó phải chỉnh đốn đội ngũ cán bộ. “Thủ tướng “tả xung, hữu đột” nhưng nhiều nơi chưa chuyển biến” - đại biểu nói và cho rằng Quốc hội nên chuyên đề giám sát thực thi chức trách, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.
Một trong những giải pháp được đại biểu nhấn mạnh là tăng lương, trong đó chú trọng cơ cấu để tinh giản biên chế.
Quan trọng vẫn là giải pháp
Cho rằng không thấy giải pháp nào khác so với các báo năm trước, kỳ trước, Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đề nghị chỉ nên chọn 1 đến 2 giải pháp ở mỗi kỳ để tập trung thực hiện cho tốt, như thế cả nhiệm kỳ cũng giải quyết được nhiều nút thắt.
Ông ví dụ như làm thế nào để giảm chi phí logictics vì của ta hiện cao hơn trung bình của thế giới rất nhiều. Nếu làm tốt thì mỗi năm doanh nghiệp có thêm khoảng 40 tỷ USD, là số tiền rất lớn.
“Đề nghị Quốc hội có nghị quyết riêng về phát triển DN trong thời đại mới, bao gồm cả vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, hỗ trợ DN không bị tác động bởi lực lượng này, lực lượng kia làm cho DN mất nhuệ khí” – đại biểu nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) nói: “Tôi xem nghị quyết, về các nhóm giải pháp vẫn chung chung, chưa toát lên giải pháp cụ thể, đột phá. Đề nghị các nhóm giải pháp cụ thể hơn, có kịch bản tháo gỡ khó khăn trước mắt và dài hạn. Nếu có chương trình phát triển ngắn hạn thì cũng hợp lý để tập trung một số lĩnh vực, tạo công ăn việc làm”.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng, vấn đề được nhận diện rồi nhưng cuối cùng vẫn là giải pháp. Để nâng cao năng lực ứng phó trước các tình huống đòi hỏi cả giải pháp trước mắt và lâu dài.
“Lâu nay chú ý giải pháp trước mắt thì như che chắn, bị động. Vui – buồn đột xuất vì thiếu chủ động. Đánh giá cứ say sưa chỉ số GDP trong khi sức khoẻ nền kinh tế còn nhiều chỉ số khác”.
Vị đại biểu Quốc hội đoàn Hải Phòng đề nghị chú ý vấn đề quy hoạch, vì hiện rất trì trệ, địa phương lúng túng không biết bố trí thế nào dù có nhà đầu tư bày tỏ thiện chí. Quy hoạch chưa xong mà quyết thì dễ sai.
Bên cạnh đó là nhiều vấn đề cũ chưa được giải quyết. “Có lãnh đao vào tù rồi nhưng hậu quả còn tồn tại, thế hệ sau phải giải quyết nhưng trên nguyên tắc, chính sách nào. Nếu để kéo dài thì hết năm nay thôi cũng tạo lực cản không chỉ trên thực tiễn bố trí không gian phát triển của địa phương mà còn liên quan DN. Hiện nay nhiều nơi đều nói “chờ xem sao”, gây mất chi phí cơ hội”. Kể ra đầu mục cơ chế, chính sách thì rất đủ nhưng nhiều khi triển khai không được vì có chồng chéo, mâu thuẫn nhau.
“Phải nhìn vào thực tiễn để chọn ra một số giải pháp cụ thể để xem làm được hay không” – ông Chu Hồi nói./.