"Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai phải thực chất, tránh hình thức”
VOV.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải thực chất, xác định cụ thể đối tượng gắn với vấn đề trọng tâm và tổng hợp khách quan, trung thực.
Đây là nội dung vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chiều nay 13/12, tại phiên họp thứ 18. Các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – dự án luật được xác định là trọng tâm trong công tác lập pháp của nhiệm kỳ, được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.
Tránh đọc qua thấy “êm” nhưng thực hiện lại “giật mình”
Gợi ý một số vấn đề thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị xác định rõ việc lấy ý kiến nhân dân lần này khác với lấy ý kiến, đánh giá tác động khi xây dựng dự thảo là gì, xác định rõ nội hàm và cụ thể đối tượng để từ đó xác định trọng tâm, trọng điểm trên quan điểm mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
“Hiện nay chưa tổ chức lấy ý kiến mà đã có rất nhiều ý kiến. Chủ tịch Quốc hội cũng nhận được nhiều ý kiến rất hay. Khác với bình luận, đánh giá mà ít giải pháp là họ đề xuất từng vấn đề một, như thế mới quý!” – ông Vương Đình Huệ cho biết.
Cách thức lấy ý kiến, theo Chủ tịch Quốc hội là phải thực chất, hiệu quả, tránh hình thức mà đóng góp không nhiều, hiệu quả không cao. Tránh việc cứ đăng tải lên cổng thông tin điện tử, đọc qua thì thấy “êm” nhưng khi ban hành, tổ chức thực hiện lại giật mình thấy vướng mắc.
Ông cũng lưu ý có những nội dung nêu ra đến chuyên gia còn chưa hiểu rõ để ý kiến thì làm sao người dân góp ý, do đó nên chăng các tỉnh cần có báo cáo viên nêu vấn đề, thông tin cụ thể đến người dân.
Bên cạnh đó, cần xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm gắn với nội dung trọng tâm của dự thảo để từ đó xác định đối tượng, cách thức thực hiện lấy ý kiến hiệu quả. Ngoài vai trò của cơ quan soạn thảo cũng phải xác định rõ vai trò các cơ quan của Quốc hội chứ không phải ban hành nghị quyết rồi ngồi thụ động chờ báo cáo.
“Quá trình lấy ý kiến phải có sự giám sát, tránh trường hợp người dân góp ý những cái rất sát lại không tổng hợp, hay tổng hợp khác đi và nếu xảy ra việc đó thì phải giải quyết thế nào” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng kết quả lấy ý kiến ngoài kênh gửi về Chính phủ tổng hợp thì cũng cần gửi về Quốc hội để có sự chủ động xem xét trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo luận, tránh câu chuyện có ý kiến xác dáng, sắc sảo, cần thiết nhưng không phù hợp với cơ quan quản lý nhà nước thì không được tổng hợp.
Phải trung thực, khách quan
Góp ý vào dự thảo nghị quyết, ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT lưu ý nội dung, hình thức, địa bàn lấy ý kiến phải chuẩn; việc tổng hợp phải nhiều kênh, trung thực, khách quan, công tâm thì mới thành công.
Ngoài ra, kinh nghiệm nhiều lần thực hiện lấy ý kiến cho thấy cần cơ chế phản hồi. “Có chuyên gia không bằng lòng về việc không có cơ chế phản hồi minh bạch rằng tiếp thu thế nào. Không chỉ luật này mà còn các luật sau nữa nên nếu thiếu cơ chế phản hồi thì người dân bảo lần trước góp ý không thấy nói gì nên giờ không góp ý nữa”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị “nhóm vấn đề trọng tâm phải gắn với nhóm đối tượng trọng tâm” khi lấy ý kiến vì nếu tách ra sẽ dàn trải, khó tổng hợp, không sâu.
Ông đề xuất cụ thể thành các nhóm đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, tổ chức; các cơ quan nhà nước; chuyên gia, nhà khoa học và xác định nhóm vấn đề trọng tâm cho mỗi nhóm.
Cùng với đó có các kênh để tổng hợp như Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, mặt trận và các tổ chức thành viên, hiệp hội; báo chí truyền thông... để có bức tranh toàn diện.
Các nhóm vấn đề lấy ý kiến cần kèm theo tài liệu thuyết minh đầy đủ nội dung chính sách, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nội dung nào còn ý kiến khác nhau và hướng xử lý... “Có như vậy người tham gia ý kiến mới có cơ sở cho ý kiến rằng hợp lý hay không. Nếu chỉ nêu tên vấn đề và nội dung xin ý kiến thì không đầy đủ, khó cả với chuyên gia chứ không chỉ với người dân” – ông Tùng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, triển khai theo cách cũ thì vẫn sẽ hình thúc, tính khả thi và hiệu quả sẽ không cao, do đó nghị quyết của UBTVQH phải thể hiện rõ yêu cầu, nhất là vai trò cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu; xác định rõ nhóm đối tượng đi kèm với đó là hình thức, nội dung, trách nhiệm hướng dẫn, tổng hợp báo cáo và phản hồi ý kiến.
“Với chuyên gia, nhà khoa học thì không thể lấy ý kiến như với hộ gia đình, cá nhân được” – ông Trần Quang Phương lưu ý.
Sau khi thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 100% thành viên có mặt tán thành. Thời gian lấy ý kiến là từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023./.